Mỹ vất vả đối phó tấn công mạng

(PLO) - Theo các nguồn tin, quan chức tình báo Mỹ từng thông báo với các nhà lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội một năm trước rằng tin tặc Nga đang tấn công đảng Dân chủ, nhưng các nhà lập pháp này đã không thể tiết lộ vụ việc với các mục tiêu bởi thông tin đó phải giữ bí mật. 
Mỹ vất vả đối phó tấn công mạng

Mỹ đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào phát triển các vũ khí mạng để răn đe các cuộc tấn công, trừng phạt những đối tượng xâm nhập vào các mạng máy tính của Mỹ.

Việc tiết lộ thông tin tối mật này khi đó để lộ ra rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang tiếp tục giám sát vụ tấn công, cũng như các nguồn tin tình báo nhạy cảm và các phương pháp mà họ sử dụng để tiến hành theo dõi. Tài liệu này đã được đánh dấu ký hiệu mật và được mã hóa, giới hạn chỉ một số lượng nhỏ các quan chức được tiếp cận nó. 

“Watergate điện tử”

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận hai cơ quan tình báo Nga hoặc các cơ quan ủy nhiệm của họ đang tấn công Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC), cơ quan điều hành của đảng Dân chủ. 

Các quan chức cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và các cơ quan tình báo khác cũng đôi lúc trì hoãn việc thông báo cho các mục tiêu về các hành động tình báo từ bên ngoài trong các tình huống tương tự. Vụ tin tặc tấn công đảng Dân chủ được cho là có liên quan đến Nga chỉ được công khai hồi cuối tháng 7/2016 khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết họ đang điều tra một vụ tấn công mạng nhằm vào DNC. DNC vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. 

Các nguồn tin cho hay thông tin này đã được thông báo từ mùa hè năm ngoái cho một nhóm các nhà lãnh đạo cấp cao của Quốc hội với tên gọi không chính thức là “8 ông lớn”, trong một phòng họp bí mật mang tên Phòng Thông tin nhạy cảm. Nhóm này bao gồm 4 nghị sĩ Cộng hòa là lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Thượng nghị sĩ Richard Burr và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes; và 4 nghị sĩ Dân chủ là Thượng nghị sĩ Harry Reid, đại biểu Nancy Pelosi, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein và ủy viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff. 

AshLee Strong, Thư ký báo chí của ông Ryan, đã từ chối đưa ra bình luận trong khi văn phòng của ông Pelosi cũng chưa có câu trả lời về thông tin này. Ngày 11/8, ông Pelosi đã gọi vụ tấn công mạng này là vụ “Watergate điện tử” và nói rằng Nga đã đứng sau vụ việc. 

Vụ tấn công mạng nhằm vào DNC sau đó còn “mở đường” cho các tin tặc tấn công các tổ chức khác trong đảng, bao gồm Ủy ban Vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC), vốn làm công tác gây quỹ cho các ứng cử viên chạy đua vào Quốc hội; chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton và các tổ chức khác. DCCC chưa đưa ra bình luận nào. 

Theo thông tin mà Reuters có được, Chủ tịch lâm thời của DNC, bà Donna Brazile hôm 11/8 cho biết, bà đang thiết lập Ban Cố vấn An ninh mạng “để đảm bảo ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai và đảm bảo rằng khả năng an ninh mạng của DNC là ở mức tốt nhất có thể”.

Phát hiện phần mềm độc hại

Trong khi vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ còn chưa được xử lý dứt điểm, ngày 8/8, Công ty an ninh mạng Symantec có trụ sở ở Mỹ thông báo một nhóm tin tặc lạ mang tên “Strider” đang tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào những mục tiêu chọn lọc ở Nga, Trung Quốc, Thụy Điển và Bỉ.

Symantec cho biết đã phát hiện nhóm “Strider”, hoạt động ít nhất từ tháng 10/2011 và có thể có các kết nối với một cơ quan tình báo quốc gia, sử dụng phần mềm độc hại hiện đại mang tên Remsec. Cũng theo Symantec, phần mềm Remsec trên có những đặc điểm mật mã tương tự như một loại mã độc “cấp độ quốc gia” từng được biết đến có tên Flamer hay Flame.

Công ty Mỹ nhận định việc phát hiện loại phần mềm gián điệp như Remsec này là tương đối hiếm, đồng thời cho rằng “dựa vào các khả năng do thám của mã độc và bản chất các mục tiêu tấn công, có thể đây là một nhóm tấn công cấp quốc gia”.

Tuy nhiên, tổ chức này từ chối tiết lộ chính xác chính phủ nào có thể đứng sau hoạt động này. Cùng ngày, Công ty nghiên cứu an ninh mạng Kaspersky có trụ sở ở Moskva (Nga) cũng xác nhận đã phát hiện một phần mềm gián điệp tương tự, đặt tên nhóm đứng sau phần mềm này là “ProjectSauron”.

Trước những dễn biến phức tạp của các cuộc tấn công mạng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị nâng cấp Bộ Tư lệnh tác chiến mạng thuộc Lầu Năm Góc, một dấu hiệu cho thấy Mỹ bắt đầu đặt trọng tâm nhiều hơn vào phát triển các vũ khí mạng để răn đe các cuộc tấn công, trừng phạt những đối tượng xâm nhập vào các mạng máy tính của Mỹ, đồng thời để ngăn chặn các đối tượng thù nghịch như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo kế hoạch đang được Nhà Trắng xem xét, Bộ Tư lệnh tác chiến mạng sẽ trở thành một “bộ tư lệnh thống nhất” tương đương với các phân nhánh tác chiến của Quân đội Mỹ như Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hoặc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM). Về mặt nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh tác chiến mạng sẽ tách khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - cơ quan tình báo chịu trách nhiệm thu thập tín hiệu điện tử, nghe lén... 

Đọc thêm