Xuất khẩu dệt may gặp khó, do đâu?
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, 2017 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với ngành Dệt may Việt Nam do ảnh hưởng thị trường tại các nước xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU. Một khó khăn khác là việc cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ.
Ông Trường cho biết, đầu năm 2016 dự báo trong năm sẽ thuận lợi cho xuất khẩu dệt may Việt Nam khi điều kiện trong nước và quốc tế đều có lợi, đặc biệt lúc đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị được ký kết. Thế nhưng đến khoảng tháng 5/2016, tình hình trở nên tồi tệ. “Tình hình thế giới biến động không ai ngờ tới, ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam”, ông Trường nói.
Ông Trường phân tích, Anh là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất Việt Nam trong khối EU nên việc nước này tuyên bố tách khỏi EU (Brexit) ngay lập tức tác động đến dệt may Việt Nam: Nhiều đơn hàng bị đình trệ, khách hàng không tiếp cận được hàng dệt may của Việt Nam.
Tình hình dệt may diễn biến tệ hơn khi hiện tượng Brexit chưa qua thì việc từ khi tranh cử cho đến đắc cử Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump luôn tuyên bố không ủng hộ và không tham gia TPP cũng ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu dệt may Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam, trước tuyên bố của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, tâm lí bạn hàng ở nước này thay đổi, đặt hàng ở những nước có lợi hơn về thuế như Campuchia, Bangladesh, Myanmar… “Tình hình này càng khiến dệt may Việt Nam rơi vào tình trạng đã khó khăn càng khó khăn hơn”, ông Trường nhận định.
Lãnh đạo Vinatex cho biết, đầu năm 2016 kỳ vọng giá trị xuất khẩu dệt may sẽ khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hơn 11%. Thế nhưng do gặp những khó khăn nên giá trị xuất khẩu năm qua của Vinatex chỉ đạt 28,3 tỷ USD, tăng 5,7%.
Theo ông Trường, Tập đoàn có nhiều công ty lớn, nhiều bạn hàng truyền thống nên chịu ảnh hưởng ít hơn, trong khi nhiều doanh nghiệp khác ngoài Tập đoàn do quy mô nhỏ hơn, kinh nghiệm ít hơn nên chịu tác động mạnh. Do đó, cả năm 2016, toàn ngành Dệt may chỉ tăng xuất khẩu khoảng 5,2%.
Việt Nam trở thành mục tiêu cạnh tranh của nhiều đối thủ
Bà Phạm Ngọc Hân, Phó ban Quan hệ Cổ đông Vinatex cho biết, Việt Nam là một trong bảy nước hàng đầu về xuất khẩu hàng dệt may, bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ. Theo bà Hân, Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may số 1 thế giới, mỗi năm đạt giá trị hơn 100 tỷ USD; các nước còn lại khó cạnh tranh với quốc gia này. Trong khi Việt Nam là nước có nền kinh tế mới, đà tăng trưởng xuất khẩu dệt may rất cao. Do đó, dệt may chúng ta trở thành mục tiêu cạnh tranh của các nước xuất khẩu.
“Trong chiến lược phát triển xuất khẩu dệt may của nhiều nước, sản phẩm của Việt Nam được họ đem ra mổ xẻ, tìm mọi cách để cạnh tranh”, bà Hân cho biết.
Theo lãnh đạo Vinatex, năm 2017 và những năm tiếp theo, dệt may của Việt Nam tiếp tục là mục tiêu của cạnh tranh. Trước thách thức này, theo Tổng Giám đốc Vinatex, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục chăm sóc tốt bạn hàng, đầu tư nhiều “chất xám” để tạo ra những sản phẩm mới lạ, tìm kiếm những bạn hàng theo “ngách riêng”.
Nói về trong nước, ông Trường cho rằng thị trường này không có tiềm năng. “Nhiều nước nếu không xuất khẩu được ra ngoài thì quay về phát triển thị trường trong nước, nhưng Việt Nam thì không làm được vậy. Năng lực cung cấp dệt may của Việt Nam đạt giá trị khoảng 35 tỷ USD, trong khi thị trường trong nước chỉ có nhu cầu khoảng 5 tỷ USD”, ông Trường nói.
Nói về mục tiêu kinh doanh năm 2017, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, dù tình hình thị trường thế giới chưa có những nét tích cực nhưng Tập đoàn này vẫn đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; doanh thu toàn Tập đoàn tăng 12%.
Lợi nhuận 2016 của Vinatex đạt 1.430 tỷ đồng
Theo Vinatex, kết quả hợp cộng năm 2016 của toàn Tập đoàn (chỉ bao gồm các đơn vị Tập đoàn có vốn) như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 38.353 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.511 triệu USD, tăng 5% so với năm 2015. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 41.337 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Cũng trong năm 2016, Vinatex đã triển khai thực hiện 41 dự án đầu tư, bao gồm 9 dự án sợi; 9 dự án dệt nhuộm; 17 dự án may; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị. Tổng mức đầu tư cả năm là 5.523,7 tỷ đồng.