Điểm nhấn tiếp nhận và bán vốn
Tại cuộc họp tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, công tác tiếp nhận vốn và bán vốn là hai điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của SCIC trong năm 2018.
Nếu như hai năm trước (2016- 2017), vốn tiếp nhận chỉ ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, thì trong năm 2018, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng, trong đó có một số DN lớn như: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, Tổng công ty Ligogi… Như vậy, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, đến nay, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 30/62 DN với tổng vốn Nhà nước là 4.069 tỷ đồng.
Công tác bán vốn tại DN cũng đạt được hiệu quả đột biến, đem lại giá trị thặng dư lớn cho nhà nước. Trong năm 2018, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 9 DN (trong đó bán hết vốn tại 7 DN, bán bớt vốn tại 2 DN) và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 2 DN, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng đạt tỷ lệ 2,94 lần.
”Đặc biệt, thành công của công tác bán vốn năm 2018 không nằm ở số lượng, mà còn nằm ở chất lượng, hiệu quả bán vốn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, SCIC đã lựa chọn thời điểm thích hợp, phương thức bán vốn phù hợp để triển khai bán vốn thành công tại một số DN lớn như Công ty CP Nhựa Bình Minh và Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm thoái vốn, đem lại hiệu quả cao cho Nhà nước...” - đại diện SCIC cho hay.
Được biết, với giá vốn 145 tỷ đồng tại Nhựa Bình Minh, SCIC đã thu về gần 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ, chênh lệch bán 2.185 tỷ đồng . Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu tại phiên đấu giá Vinaconex, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.
Như vậy, đến 31/12/2018, danh mục DN của SCIC gồm 145 DN với giá trị vốn nhà nước gần 16.740 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 85.082 tỷ đồng.
Lãi lớn nhưng không “ngồi mát ăn bát vàng”
Báo cáo của SCIC cho biết, đến 31/12/2018, doanh thu ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch, trong đó cả ba mặt hoạt động đều có doanh thu tăng trưởng và vượt kế hoạch: Doanh thu cổ tức ước là 3.399 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch và tương ứng 169% so với cùng kì năm trước; Doanh thu bán vốn ước là 7.692 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 5.076 tỷ đồng, đạt 187% kế hoạch, gấp hơn 8 lần so với cùng kì năm trước; Doanh thu tài chính ước là 1.480 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch, tương ứng 111% so với cùng kì năm 2017.
Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của SCIC ước là 9.467 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch, tương ứng 142% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập DN và lợi nhuận sau thuế trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch. Ngoài ra, chênh lệch từ bán vốn các DN lớn thuộc Thông báo 281/TB-VPCP không được hạch toán doanh thu mà nộp trực tiếp vào Quỹ Hỗ trợ sản xuất phát triển DN là 2.185 tỷ đồng. “Kết quả kinh doanh đó là nỗ lực tự thân của DN và có yếu tố may mắn. Tự nhiên chúng tôi “ngồi mát ăn bát vàng” sao được?”- ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC bày tỏ.
Theo Chủ tịch SCIC, năm 2018 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng SCIC vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt. “Tôi là người đứng đầu SCIC, nhưng không muốn tô bức tranh quá đẹp về DN, mà chỉ cần đánh giá công bằng, xem xét hiệu quả thoái vốn toàn diện, chứ không qua một số thương vụ…”, ông Chi nói.
Nhắc lại phiên đấu giá thành công cổ phiếu của Vinaconex thu về hơn 7.366 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng so với giá vốn, Chủ tịch SCIC nhớ lại cách đây vài năm khi đầu tư vào Vinaconex hơn 2.000 tỷ đồng, dư luận từng đặt ra câu hỏi, tại sao lại đổ tiền vào một DN thua lỗ như thế. Tuy nhiên, theo ông, nếu không đầu tư vào thời điểm ấy, khả năng Vinaconex sẽ phá sản và vốn Nhà nước bị mất. Nhờ được đầu tư vốn, Vinaconex đã dần dần vượt qua khó khăn, lợi nhuận được chia tăng dần và vừa qua SCIC đã có thương vụ bán vốn rất thành công tại Vinaconex.
Nói về triển vọng của SCIC trong năm 2019, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi kỳ vọng, việc chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN, cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, SCIC có thể tìm kiếm được những cơ hội đầu tư mới từ nhóm này. “Sang năm 2019, SCIC tiếp tục định hướng đầu tư tài chính, đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, SCIC sẽ có vai trò đầu tư mồi, đặc biệt SCIC sẽ phối hợp với hệ sinh thái ”siêu” Ủy ban nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới…” - Đại diện SCIC chia sẻ.