Trên 8.200 người chết do TNGT trong năm 2018
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết TNGT năm 2018 (tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018), toàn quốc xảy ra trên 18.700 vụ, làm chết trên 8.200 người, bị thương trên 14.800 người.
So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm trên 1.300 vụ, số người chết giảm 33 người, số người bị thương giảm 2.238 người. Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT là trên 1.400 người, giảm 194 người so với năm 2017.
Năm 2019 sẽ trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm 2019 sẽ trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người dân, người tham gia giao thông vì tính mạng con người là trên hết.
Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ Giao thông sẽ báo cáo Chính phủ đề án tổng thể về công tác duy tu sửa chữa đường bộ.
Năm 2019, sẽ xoá dứt điểm các “điểm đen” (hiện còn 44 “điểm đen” và 162 “điểm tiềm ẩn”). “Đồng thời, triển khai kiểm tra sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe chặt chẽ hơn, cả trong lý thuyết và thực hành. Trong đó, có giám sát đạo đức của lái xe, nâng cao trách nhiệm của lái xe với cộng đồng xã hội”, ông Thể cho biết.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị về tiếp tục nâng cao hiệu lực công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới, mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát trật tự ATGT, kiểm tra hành chính các phương tiện giao thông (nhất là với xe khách, xe container, xe tải).
Trong năm 2018, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 166.002 xe, trong đó có 17.989 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 10,8%), tước 6.206 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 199,82 tỷ đồng.
Năm 2018, có 44 tỉnh thành có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Tiền Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Cà Mau, Ninh Bình, Lào Cai, Long An, Hà Tĩnh, Bình Định, Điện Biên, Thái Bình. Đặc biệt, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên giảm trên 20% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Giang; trong đó, có ba tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên Giang, Hậu Giang và Bắc Giang.
Đáng chú ý, năm 2018, theo thống kê sơ bộ, cả nước xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương. Trong quý III xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách.
Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu do người lái xe: do sự chủ quan trong điều khiển phương tiện của người lái xe; lái xe mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định; thói quen chủ quan, không thực hiện nguyên tắc điều khiển xe đi đường đèo, xuống dốc dài, dẫn đến hệ thống hãm bị mất tác dụng, gây tai nạn.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm trên 25% (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017); vi phạm tốc độ xe chạy chiếm gần 8%; trên 10% do chuyển hướng không chú ý; 7,7% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 3,36% do sử dụng rượu bia, còn trên 30% số vụ TNGT chưa xác định nguyên nhân cụ thể.
Tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương nỗ lực triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự năm 2018 của các bộ, ban, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm ATGT: Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn cao; Công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn ngoài đô thị, chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý. Đặc biệt, nhận thức của lãnh đạo, cấp ủy một số địa phương còn hạn chế. Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập.
Nêu nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Mục tiêu năm 2019 đặt ra là kiềm chế và kéo giảm các vụ TNGT liên quan đến xe khách và xe mô tô, xe gắn máy. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân; Giảm TNGT từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; Tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện tốt tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị…
Đề cập đến việc tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp: “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ATGT trong trường học với vai trò nêu gương của cha mẹ học sinh và thầy cô giáo…”.
“Không vì ngày Tết mà nể nang, xuê xoa”
Cũng trong sáng hôm qua (4/1), tại Hà Nội, Ủy ban ATGT quốc gia và UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động ra quân Năm ATGT 2019. Chủ đề Năm ATGT 2019 là “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.
Tại hội nghị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tập trung nhiều nội dung trọng tâm để kiềm chế TNGT trong năm 2019, trong đó có việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATGT, nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không...
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Đây là hai nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp cao điểm, lễ, tết.
“Đề nghị không vì ngày Tết mà nể nang, xuê xoa, cần dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra. Đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với người dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.