Với chủ “Kiểm toán môi trường (KTMT) vì sự phát triển bền vững”, ASOSAI 14 khép lại với cam kết của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) về sự hợp tác chia sẻ kiến thức, công nghệ, nâng cao năng lực của các SAI thành viên trong lĩnh vực KTMT vì sự phát triển bền vững.
Tại cuộc họp báo, TS Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN Việt Nam thừa nhận KTMT là một lĩnh vực mới đối với KTNN Việt Nam. Ông cho biết, năm 2017, KTNN mới thực hiện 10 cuộc KTMT, tới năm 2018 là 8 cuộc. “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng quy trình về KTMT và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Đồng thời, lấy ý kiến các SAI để ban hành quy định, quy trình KTMT. Còn với các cuộc kiểm toán được thực hiện lâu nay, chúng tôi căn cứ vào đặc điểm của cuộc kiểm toán để xây dựng đề cương kiểm toán…” - ông Phớc chia sẻ.
Đề cập tới việc áp dụng công nghệ mới trong các cuộc KTMT, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về công nghệ viễn thám, một công nghệ mới được áp dụng trong hoạt động KTMT của KTNN Việt Nam. Ông cho biết, vừa qua, KTNN đã tiến hành kiểm toán 2 khu mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng ốp lát ở Hải Phòng. Tại đây, KTNN đã áp dụng công nghệ viễn thám và đo đạc lại, xác định được lượng đá đã khai thác cách đây nhiều năm. Từ đó, tìm ra lượng đá đã tiêu hao vào nhà máy xi măng, truy ra số thuế phải nộp cho Nhà nước và đánh giá tác động của hoạt động khai thác, sản xuất đối với môi trường…
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thông qua KTMT, đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, trong cuộc kiểm toán về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016, KTNN đã phát hiện ra bất cập trong việc hồi tố thu hồi tiền sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản từ 1/7/2013 đến 31/12/2013.
Theo đó, cho tới khi Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, vẫn còn khoảng thời gian trống giữa Luật và Nghị định, dẫn tới giảm thu ngân sách theo Luật Khoáng sản là 2.835 tỷ đồng. Qua cuộc kiểm toán này, KTNN đã tiến hành truy thu về NSNN số tiền tương đối lớn. Hay cuộc kiểm toán 2 khu mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng ốp lát ở Hải Phòng, KTNN đã kiến nghị thu về NSNN số tiền thuế là 560,6 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị địa phương xử lý khoản thất thu ngân sách ngoài phạm vi khu mỏ đá số tiền 1.177,9 tỷ đồng…
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng KTMT được tốt hơn, thời gian tới, Việt Nam sẽ chọn các chủ đề kiểm toán sát hơn, có sức lan tỏa hơn liên quan tới môi trường. Cụ thể, trong năm 2019 sẽ tập trung vào kiểm toán hoạt động quản lý chất thải, rác thải hoặc kiểm toán khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường rừng,… Sau Đại hội ASOSAI 14, theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, các SAI sẽ tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, công cụ để KTMT. Một trong những vấn đề được nhiều nước đồng tình là KTMT thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin như công nghệ viễn thám hay cộng hưởng…
Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đã học hỏi được kinh nghiệm gì từ các nước về KTMT qua ASOSAI 14, ông Phớc cho rằng, để KTMT chính xác, hiệu quả thì cơ bản phải đưa ra được tiêu chí.“Ví dụ như về phát triển bền vững sẽ có bao nhiêu tiêu chí, tiêu chí này phải được Chính phủ thống nhất, từ đó các vấn đề môi trường tác động tới phát triển bền vững cũng phải có từng tiêu chí như nước sạch, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu…,” ông nói. Do vậy, theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, thời gian tới, song song với việc học hỏi, áp dụng công nghệ trong KTMT, cơ quan kiểm toán Việt Nam sẽ đề xuất tiếp tục hoàn thiện cả khung pháp lý và năng lực của kiểm toán viên, công cụ kiểm toán….