Năm 2021, xử lý kỷ luật 32 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

(PLVN) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 21 mới đây, năm 2021, xử lý kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 15 trường hợp so với năm 2020.
Năm 2021 tiếp tục có thêm nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý. (Ảnh minh họa)
Năm 2021 tiếp tục có thêm nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý. (Ảnh minh họa)

Báo cáo cho biết năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Cụ thể, về xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm, đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020); xử lý kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân. Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020).

Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh, đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ.

Về các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (từ sau Phiên họp thứ 19, tháng 1/2021 đến nay), đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ án/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.

Bên cạnh đó, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản hơn 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn. Thu hồi từ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo năm 2021 hơn 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020).

Còn về phương hướng công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2022, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, tại Phiên họp thứ 21, Tổng Bí thư yêu cầu trong năm 2022 cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế trong Đảng và thể chế Nhà nước về mặt luật pháp, trong đó nhấn mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực, “để không thể tham nhũng”; quan tâm chú trọng tới việc quản lý xã hội bằng pháp luật nghiêm minh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi trong năm 2022; tăng cường công tác giáo dục, răn đe, nhất là giáo dục tinh thần liêm chính trong cán bộ, đảng viên; thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về việc xử lý một số vụ việc tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi gồm vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực liên quan đến vụ án buôn lậu, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới và vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang; việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong vụ án thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên; việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế, đưa ra xét xử trong năm 2022, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác xử lý các vụ việc trên đã được Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan chức năng theo thẩm quyền, quy chế phối hợp, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và phạm vi công tác xử lý với tinh thần quyết liệt, sai phạm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Đọc thêm