Năm 2022: 284.309 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp công dân định kỳ (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp công dân định kỳ (Ảnh minh họa)

Tiếp hơn 305 ngàn người, xử lý hơn 330 ngàn đơn các loại

Theo Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (tính từ 01/8/2021 đến 31/7/2022), trong năm 2022, có 284.309 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 14,1% so với năm 2021), với tổng số người được tiếp là 305.920 người (giảm 14,7%) và 221.258 vụ việc (giảm 19,3%), có 2.314 đoàn đông người (giảm 32,7%).

Các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 344.820 đơn các loại; đã xử lý 330.421 đơn, có 286.950 đơn đủ điều kiện xử lý , chiếm 83,2% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 41.952 đơn khiếu nại, 17.628 đơn tố cáo, 227.370 đơn kiến nghị, phản ánh; có 16.886 vụ việc khiếu nại, 6.640 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2021, số đơn các loại giảm 4%, đơn khiếu nại giảm 7%, đơn tố cáo tăng 1,4%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 5,3%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 0,6%.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.975/23.526 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm 2021). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 25,2 tỷ đồng, 1,9 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân; kiến nghị xử lý 466 người (trong đó có 408 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).

Đáng chú ý, phân tích từ kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu cho thấy: Có 6,2% khiếu nại đúng, 82,9% khiếu nại sai, 10,9% khiếu nại có đúng, có sai. Phân tích từ kết quả giải quyết khiếu nại lần hai cho thấy, có 83,4% vụ việc công nhận kết quả giải quyết lần đầu; 16,6% vụ việc phải hủy, sửa quyết định giải quyết lần đầu.

Trong khi đó, phân tích kết quả giải quyết vụ việc tố cáo cho thấy, có 5,6% tố cáo đúng, 81,3% tố cáo sai, 13,1% tố cáo có đúng, có sai. Về tố cáo tiếp: Trong số các vụ việc tố cáo nêu trên, có 150 vụ việc tố cáo tiếp phải giải quyết, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 108 vụ việc (đạt 72,0%). Phân tích kết quả giải quyết cho thấy có 14,8% tố cáo tiếp đúng, 63,9% tố cáo tiếp sai, 21,3% tố cáo tiếp có đúng, có sai.

Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

Tại báo cáo Chính phủ đánh giá, công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thúc đẩy; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 84,9%, cơ bản đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với năm 2021 (76,3%), nhất là các bộ, ngành trung ương (93,8%) và nhiều địa phương cũng có tỷ lệ giải quyết đạt trên 90% ; việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai, dân chủ, các phiên đối thoại công khai với công dân luôn khuyến khích đội ngũ luật sư tham gia với tư cách người tư vấn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời giải thích cho người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến nội dung vụ việc.

Cùng với đó việc bảo vệ bí mật người tố cáo được thực hiện đúng quy định của pháp luật; công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, trong đó có sự tham gia tích cực, hiệu quả và thực chất của các tổ chức chính trị - xã hội; nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc đối thoại, giải thích và hòa giải để giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở.

Việc thực hiện đôn đốc, kiểm tra việc rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc; nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, nhất là cấp huyện, xã; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao; Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm và sai sót, nhất là giải quyết lần đầu. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của một số địa phương đạt thấp..

Đọc thêm