Năm 2022, quản lý thuế doanh nghiệp lớn có gì mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thay vì quản lý thuế hơn 1.800 doanh nghiệp lớn như trước đây, từ 1/1/2022, Tổng cục Thuế chỉ quản lý thuế 125 doanh nghiệp. Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng được nâng cấp lên thành Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Thuế là đơn vị trực tiếp quản lý thuế số doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 25/12/2021 tổng thu NSNN từ 125 DN lớn là trên 200 nghìn tỷ đồng,
Tính đến ngày 25/12/2021 tổng thu NSNN từ 125 DN lớn là trên 200 nghìn tỷ đồng,

Bước cải cách trong quản lý thuế

Ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế. Theo Quyết định này, Vụ Quản lý thuế (QLT) doanh nghiệp (DN) lớn được nâng cấp và tổ chức lại thành Cục Thuế DN lớn.

Theo Quyết định 1968/QĐ-BTC ngày 8/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Cục Thuế DN lớn thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế DN lớn chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/10/2021. Danh sách các DN lớn do Cục Thuế DN lớn trực tiếp quản lý được quy định tại Quyết định 1789/QĐ-BTC ngày 15/9/2021của Bộ trưởng Bộ Tài chính về danh sách DN phân công Cục Thuế DN lớn trực tiếp quản lý.

Danh sách gồm 125 DN, trong đó, có 59 DN thuộc khối DN nhà nước; 37 DN thuộc khối ngân hàng thương mại, Công ty bảo hiểm và thị trường tài chính khác; 29 DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN ngoài quốc doanh.

Đây là các DN đại diện, đứng đầu trong những ngành lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế đất nước, có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước (NSNN), đây cũng là các DN đi đầu trong việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thuế. Tính đến ngày 25/12/2021 tổng thu NSNN từ 125 DN này trên 200 nghìn tỷ đồng, bằng 17% tổng thu NSNN do ngành thuế quản lý, tăng 3% so với cả năm 2020.

Theo Quyết định 1789/QĐ-BTC, Cục Thuế DN lớn chính thức quản lý 125 DN lớn trên cả nước từ ngày 1/1/2022. Chia sẻ về lý do nâng cấp Vụ QLT DN lớn thành Cục Thuế DN lớn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Vụ QLT DN lớn được thành lập từ năm 2009, trải qua hơn 10 năm hoạt động, Vụ đã làm tốt công tác tham mưu cho Tổng cục Thuế trong việc nghiên cứu chính sách, chế độ nói chung, lập dự toán và QLT đối với các DN lớn. Tuy nhiên, Vụ QLT DN lớn chưa thực hiện đầy đủ chức năng của một cơ quan QLT.

“Việc thành lập và đưa vào hoạt động của Cục Thuế DNL là một bước cải cách trong công tác QLT tại Việt Nam theo lộ trình chiến lược thuế giai đoạn 2016-2020 và kế tiếp là giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng là một nội dung mới nên trong quá trình triển khai thực hiện cần phải đánh giá tình hình thật kỹ và có bước đi, lộ trình đảm bảo chặt chẽ và có hiệu quả”- Thứ trưởng nói.

Phục vụ doanh nghiệp tốt hơn

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế DN lớn cho biết, Cục Thuế DN lớn được thành lập và tổ chức với đầy đủ các chức năng QLT là cơ sở tiền đề để ngành Thuế thực hiện cải cách mạnh mẽ công tác quản lý thu thuế, đặc biệt là thu ngân sách TW, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; trong đó, ngân sách TW giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, phục vụ cho những nhiệm vụ then chốt quan trọng về chính trị, xã hội, kinh tế và hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Cục Thuế DN lớn đã tổ chức tiếp nhận bàn giao 125 DN lớn từ 13 cục Thuế tỉnh, thành phố. “Với mục tiêu lấy người nộp thuế là trung tâm để phục vụ, Cục Thuế DN lớn được thành lập cũng tạo điều kiện để ngành Thuế tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác QLT để đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện chính sách, pháp luật thuế”- Ông Phụng cho biết thêm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, với 125 DN do Cục Thuế DN lớn quản lý thì đây là các khách hàng lớn, quan trọng của ngành Thuế và việc đưa các DN lớn về một đơn vị tại cơ quan thuế cấp TW trực tiếp quản lý là để ngành Thuế có thể hỗ trợ, phục vụ tốt hơn nữa nhóm khách hàng quan trọng này.

“Việc đưa các DNL về TW quản lý sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN, không tăng thời gian và chi phí cho DN. Ở chiều ngược lại, với việc Cục Thuế DN lớn trực tiếp quản lý, sẽ không bị giới hạn trong phạm vi một tỉnh, thành phố mà sẽ có thông tin tổng thể hoạt động của các DN trên phạm vi cả nước, qua đó sẽ tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp quy định và hoạt động của các DNL, hướng đến mục tiêu thực hiện cải cách thủ tục hành chính tối đa, chính sách thuế đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện, tiết giảm chi phí, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế cho NNT”- ông Tuấn nói.

Đọc thêm