Năm 2022 Tiền Giang đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 28/12, Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Năm 2022 Tiền Giang đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên kinh tế của tỉnh Tiền Giang đã từng bước phục hồi và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2022 ước đạt 62.881 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 7,02% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 4,33%, 6 tháng cuối năm tăng 9,67% so cùng kỳ), đạt kế hoạch năm (kế hoạch tăng từ 6%-7%). Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,76%, khu vực dịch vụ tăng 7,79% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm).

So với năm 2021, tổng sản phẩm khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%, trong đó ngành thủy sản tăng 2,75% so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở sản lượng nuôi trồng. Ngành nông nghiệp, gieo trồng 137.219 ha, đạt 109,9% kế hoạch, tăng 2,3% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 848.608 tấn, đạt 110,7% kế hoạch, tăng 0,5% so cùng kỳ. Trong chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng còn xảy ra ở một số địa phương, tổng đàn tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp trong năm 2022 trồng được 659,8 ngàn cây phân tán các loại, giảm 22% so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng 7,02% so cùng kỳ

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng 7,02% so cùng kỳ

Tổng sản phẩm khu vực công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng 10,76% so năm 2021, trong đó công nghiệp tăng 11%; ngành xây dựng ước tính tăng 9,64%. Khu vực dịch vụ tăng 8,75% so với năm 2021; lượng khách du lịch đến tham quan trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 828 ngàn lượt, đạt 92,5% kế hoạch, tăng 1,8 lần so cùng kỳ. Hầu hết các ngành thuộc khu vực dịch vụ đều tăng trưởng mạnh, các ngành tăng cao so cùng kỳ như dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37,94%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 42,82%; nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 25,79%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,94%,... Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 17,7% do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

Ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tiền Giang năm 2022 là 10.665 tỷ đồng, tăng 23,6% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3.231,140 tỷ đồng, đạt 117,50% so với dự toán, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh là 1.330 tỷ đồng, đạt 138,54% so với dự toán năm, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; thu tiền sử dụng đất là 1.160 tỷ đồng, đạt 165,71% so với dự toán năm, tăng 91,52% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thời gian qua Tiền Giang đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho cho 27.093 lượt lao động, tăng 27% so cùng kỳ; giới thiệu việc làm cho 3.168 lượt lao động, tăng 17% so cùng kỳ; giới thiệu 1.578 lao động có được việc làm, tăng 54,6% so cùng kỳ. Trợ cấp thất nghiệp 20.399 người người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 43,6% so cùng kỳ; trong đó 20.209 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 40,8% so cùng kỳ với tổng số tiền chi trả 391,5 tỷ đồng. Người lao động đi làm việc nước ngoài, tính đến ngày 05/12/2022 có 439 lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm: Nhật Bản 379 người, Đài Loan 53 người, Hàn Quốc 03 người, Hồng Kông 02 người, Hungary 01 người, Qatar 01 người.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi họp báo

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi họp báo

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho rằng, các đơn vị cần tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục mời gọi đầu tư và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, nhất là đối với các dự án du lịch đang triển khai để hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đặc biệt chú trọng đến việc thu hút, hỗ trợ các dự án du lịch quy mô lớn nhằm tạo điểm nhấn, phát triển ngành du lịch Tiền Giang.

Đọc thêm