Báo cáo kết quả thực hiện công tác tư pháp năm 2022, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Kiên Giang Nguyễn Ngọc Dư cho biết, bên cạnh hạn chế, khó khăn, năm 2022 Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, luôn theo dõi chặt chẽ công tác tư pháp ở cơ sở, thường xuyên quan tâm đến việc kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh công tác tư pháp theo đúng quy định.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên, gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật, hình thành cơ chế đồng bộ trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện các VBQPPL. Giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 100% VBQPPL đã ban hành gồm 17 quyết định của UBND tỉnh; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 04 quyết định do UBND cấp huyện gửi đến, kết quả kiểm tra văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày.
Ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Ngoài ra, sở đã tiếp nhận 114 hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm hành chính; Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành 90 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 5 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; 1 quyết định tịch thu tang vật; 7 quyết định chuyển hình sự do có dấu hiệu tội phạm; 1 quyết định cưỡng chế; 9 hồ sơ có văn bản không xử phạt; 1 công văn không ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và 3 công văn chuyển trả hồ sơ do không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Kiên Giang cũng cho biết cho biết thêm trong năm, sở đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 4.744 cuộc với 185.122 lượt người tham dự. Tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022 và treo 6 pano, 2 khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại trụ sở làm việc.
“Trong năm, các Tổ hòa giải ở cơ sở đã tổ chức hoà giải thành 2.998 vụ, đạt tỷ lệ 86% (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho tập huấn viên hòa giải ở cơ sở Châu Thành, Gò Quao và Vĩnh Thuận, với 247 hòa giải viên tham gia. Qua đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương”, ông Dư nói.
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2022, Bà Lư Thị Trang Đài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang triển khai kế hoạch 2023. Sở Tư pháp Kiên Giang tiếp tục tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp; tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các VBQPPL được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức tư pháp theo vị trí việc làm, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Bà Lư Thị Trang Đài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang triển khai kế hoạch 2023 |
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, nhất là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đối với việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp.
Ông Đinh Xuân Phương (bìa phải) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trao cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Chính phủ cho Ban Giám đốc Sở Tư pháp |
Bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thẩm định đạt 100% đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, gửi đến và đúng tiến độ; thực hiện thẩm định đạt 100% dự thảo VBQPPL gửi đến và đúng tiến độ; chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL đúng tiến độ, đạt 100% văn bản. Đồng thời thực hiện tốt các mặt công tác như: tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính, Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở và cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, công tác bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật công tác xây dựng Ngành; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; quản lý nhà nước về pháp chế, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thống kê.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang khẳng định với vai trò và trách nhiệm của mình năm 2023, ngành tư pháp sẽ cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác của ngành. Đồng thời, không ngừng tăng cường đoàn kết, ra sức thi đua sáng tạo, đổi mới trong hoạt động để vươn tới những thành tích cao hơn, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung của ngành và của tỉnh.
Ông Đinh Xuân Phương (bìa phải) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể “ Đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành 10 năm Nghị định số 59/2012/NĐ – CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. |
Nhân dịp này, thừa uỷ quyền Chủ tịch nước, Ông Đinh Xuân Phương,Phó Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Chính phủ cho tập thể Sở Tư pháp Kiên Giang và Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho 10 tập thể và 20 cá nhân “ Đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành 10 năm Nghị định số 59/2012/NĐ – CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Sở Tư pháp Kiên Giang xếp 16/33 đơn vị xuất sắc về xếp hạng Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022.