Năm 2023: Thu hồi tài sản án kinh tế, tham nhũng tăng hơn 4.000 tỷ

(PLVN) - Ngày 13/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác THADS, thi hành án hành chính (THAHC) quý IV năm 2023. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó để chuẩn bị tiến tới tổng kết công tác THADS năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.

Vượt chỉ tiêu được giao

Báo cáo cho biết, năm 2023, mặc dù số thụ lý mới về việc và giá trị tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, trong khi phải thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Chính phủ đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho toàn Hệ thống THADS. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS, đến nay kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt chỉ tiêu được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp giao, kết quả thi hành xong về việc, về tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, về việc đã thi hành xong 574.819 việc, đạt tỉ lệ 83,25%, cao hơn 0,75% so với chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, kết quả thi hành xong về tiền đã đạt trên 89.412 tỷ đồng, đạt 46,78%, cao hơn 1,28% so với chỉ tiêu được giao; tăng trên 14.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng trên 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Công tác theo dõi THAHC ngày càng nền nếp, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh việc kiến nghị xử lý trách nhiệm. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác quán triệt, chỉ đạo, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ công chức, Chấp hành viên được các cấp đặc biệt chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát góp phần kiểm soát, phòng ngừa từ sớm, từ xa các vi phạm trong THADS…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, kết quả thu hồi tài sản đến nay vẫn còn chưa đạt như mong muốn; công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế…

Tập trung hoàn thiện thể chế

Năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn hệ thống THADS quan tâm đẩy mạnh đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC. Trong đó, tập trung tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; tổng kết thi hành Luật THADS, Chỉ thị số 05/CT-TTg và Chỉ thị số 26/CT-TTg, đề xuất và tập trung xây dựng Luật THADS sửa đổi...

Lãnh đạo các cơ quan THADS tăng cường chỉ đạo, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian nhằm kéo giảm, thu hẹp dần lượng việc chuyển kỳ sau theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý công tác THAHC và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Thường xuyên tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức làm việc và kiểm tra liên ngành về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC tại các địa phương có số lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài.

Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án biên chế tổng thể Hệ thống tổ chức THADS giai đoạn 2023-2026. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS; tổ chức rà soát, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và việc sắp xếp của TAND cấp huyện theo Đề án của TANDTC được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các cơ quan THADS cần tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, kịp thời chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị thực hiện không hiệu quả công tác này. Tập trung kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án và những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp, mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án, các trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương; tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành liên quan đối với công tác THADS, THAHC...

Đọc thêm