Năm 2030, bắt đầu khai thác tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Sơ bộ tổng mức đầu tư sẽ rơi vào khoảng 38 tỷ USD (không bao gồm đầu máy, toa xe, chi phí dự phòng và thuế). Dự kiến lộ trình xây dựng ĐSCT vào năm 2020, bắt đầu khai thác năm 2030, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến Bắc - Nam với thời gian nhanh hơn nhiều, giá vé chỉ bằng nửa giá vé máy bay.

Cơ quan ngành Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa họp nghiên cứu các phương án phát triển đường sắt cao tốc (ĐSCT) trên tuyến Bắc-Nam. Tại cuộc họp. các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh, đặc biệt là tính cần thiết của dự án.

Nên có đường sắt cao tốc?

Tại cuộc họp, ông Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu của JICA cho biết: "Phương án đề xuất của JICA, ĐSCT Bắc-Nam có tổng chiều dài toàn tuyến 1.570 km (đường sắt hiện tại dài trên 1.700 km) chạy đường đôi khổ 1.435mm (khổ đường ray hiện tại 1.000mm); hướng tuyến thiết kế thẳng để tàu cao tốc đạt vận tốc tối đa 350km/giờ… Thời gian tàu chạy giữa Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh rút ngắn chỉ còn 5 giờ 40 phút".

Ảnh minh họa

Cũng theo ông Iwata, để giảm chi phí xây dựng, phương án ưu tiên là chọn lựa hướng tuyến với thiết kế đường đắp, bán kính đường cong tối thiểu 6.000m. Toàn tuyến ĐSCT dự kiến đầu tư 26 nhà ga, qua 20 tỉnh, thành; bình quân 63 km xây dựng 1 ga. Vị trí các nhà ga nằm gần khu vực đô thị phát triển, tạo thuận tiện trong việc đi lại cho số đông người dân thành thị…

Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư sẽ rơi vào khoảng 38 tỷ USD (không bao gồm đầu máy, toa xe, chi phí dự phòng và thuế). Dự kiến lộ trình xây dựng ĐSCT vào năm 2020, bắt đầu khai thác năm 2030, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến Bắc - Nam với thời gian nhanh hơn nhiều, giá vé chỉ bằng nửa giá vé máy bay.

Trong các kịch bản phát triển đường sắt Bắc-Nam mà đoàn nghiên cứu JICA đã đưa ra thì hai đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh đã quá tải nên cần thiết phải xây dựng đường đôi cho 2 đoạn này. Sau khi triển khai dự án, thời gian đi lại dự kiến giữa Hà Nội - Vinh là 1,1 giờ và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang là 1,3 giờ.

“Vừa tăng tính cơ động cho hành khách lại giảm áp lực lưu lượng giao thông cho các loại hình giao thông khác nên việc triển khai dự án ĐSCT còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH ở các tỉnh, thành phố dọc tuyến; tăng cơ hội phát triển đô thị quanh các ga ĐSCT và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đường sắt” – đại diện JICA nhấn mạnh.

Ga ĐSCT ở Hà Nội sẽ là ga Ngọc Hồi?

Cũng tại cuộc họp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, ĐSCT là rất cần thiết vì đường ray sắt chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết: “Sau khi có kết quả nghiên cứu tổng thể và các cơ quan tư vấn chỉ ra phương án, cách thức đầu tư có hiệu quả vào đường sắt, có lẽ nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia xây dựng đường sắt trên hành lang đường sắt Bắc-Nam”.

Cuộc hội thảo “nóng” nhất là khi các bên tham dự đưa ra phương án về việc lựa chọn ga ĐSCT nào cho TP Hà Nội.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Nguyễn Thế Minh cho rằng, nên chọn ga Ngọc Hồi bởi nó chỉ cách đường vành đai 4 hơn 1km, cũng rất gần với đường vành đai 3,5 và quốc lộ 1 cũ. Đoạn Hà Nội-Vinh nên làm đường sắt đôi khổ 1.435mm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng quan điểm với ông Minh, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng lựa chọn ở đâu thì cũng phải khớp nối được với các loại hình giao thông khác và phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị. Nếu chọn ga Hà Nội thì sẽ phải đi ngầm và thiết kế ga riêng rất tốn kém. Do đó chọn ga Ngọc Hồi sẽ hợp lý hơn.

Thiên Ân

 

Đọc thêm