Năm “Dần” – vàng mạnh như 'mãnh hổ'?

(PLVN) - Theo nhận định của một số chuyên gia, năm 2022, những chính sách về tiền tệ của những nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ khi lạm phát được nhận định sẽ tiếp tục tăng cao, giá vàng sẽ được hưởng lợi và bước vào một đợt tăng dữ dội.
Ảnh minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần (cũng là khép lại năm 2021 âm lịch):

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 61,80-62,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 61,80-62,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 800.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 61,75-62,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 750.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.791,60 USD/ounce, giảm 5,1 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.780), tương đương 49,72 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 12,8 triệu đồng/lượng.

Nhìn lại một năm qua, giá vàng trong nước đã có một năm tăng giá mạnh khi kết thúc năm với mức giá giao dịch quang mức 62,50 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ đầu năm 2021, đã có thời gian dài giao dịch đi quanh mức 56-57 triệu đồng/lượng.

Sau đó, giá vàng bắt đầu có xu hướng đi lên và có thời điểm ghi nhận tương đương ngưỡng kỷ lục năm 2020, ở mức hơn 62 triệu đồng/lượng khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 6,2% trong tháng 10/2021, mức cao nhất trong 31 năm, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát.

Chốt phiên giao dịch cuối năm 2021 (31/12), tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,95-61,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng trưởng 9,4% so với thời điểm đầu năm 2021. Tới thời điểm hiện tại, sáng nay (29/1), giá vàng SJC giao quanh mức 62,50 triệu đồng/lượng.

Quan sát thị trường cho thấy, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp theo sát giá vàng thế giới. Những tháng cuối năm, giá vàng bắt nhịp tăng theo thị trường thế giới trước thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch vào tháng 3/2022 và 3 đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm 2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước thời gian qua vẫn cao hơn thế giới, nhưng với mức chênh khoảng 13 triệu đồng/lượng, xấp xỉ 20% sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là chưa từng có. Trước đó, ở thời điểm năm 2020, giá vàng trong nước so với thế giới cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Nhận định về giá vàng năm 2022, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể giá kim loại quý sẽ tăng so với năm 2021 bởi những chính sách về tiền tệ của những nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ khi lạm phát được nhận định sẽ tiếp tục tăng.

Tuy vậy, ông Hiếu cũng nhấn mạnh các nhà đầu tư khi xuống tiền vào kênh này cần cẩn trọng và theo dõi sát những diễn biến về kinh tế, chính trị trong nước và thế giới.

Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, giá kim loại quý sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng chống lạm phát. Tại Mỹ, lạm phát đang cao nhất gần 4 thập kỷ. Mặt khác, do đại dịch vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư quốc tế vẫn còn lớn. Nhiều ngân hàng trung ương cũng mua vàng để tăng dự trữ quốc gia. Nếu không có những yếu tố này, giá vàng có thể đã giảm nhiều hơn trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vàng cũng gặp rào cản khi phải cạnh tranh ngày càng mạnh với các kênh đầu tư “nóng” như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo.

Trong gần 3.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thường niên của Kitco, 1.605 người (tỷ lệ 54%) cho biết họ kỳ vọng giá vàng năm 2022 đạt trên 2.000 USD; 592 người (tỷ lệ 20%) dự báo vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.900 - 2.000 USD.

Nhà phân tích tài nguyên David Lennox tại công ty quản lý quỹ tài sản toàn cầu Fat Prophets có trụ sở tại Australia dự đoán, giá vàng có thể leo lên mức mới là 2.100 USD/ounce trong năm 2022.

“Tôi cho rằng trong suốt năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến giá vàng thử nghiệm ở mức cao kỷ lục mọi thời đại, nhưng sẽ không vượt xa mức này một khi nó đến ngưỡng 2.100 USD/ounce”, chuyên gia David Lennox nói.

George Milling-Stanley, chiến lược gia trưởng tại State Street Global Advisors, lại cho rằng, với xác suất 50% giá vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.800 đến 2.000 USD mỗi ounce vào năm 2022. Trong đó, 30% khả năng giá vàng có thể được đẩy trên 2.000 USD lên mức cao kỷ lục mới.