Nam Định “chuyển mình” tạo lực hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với mục tiêu đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 “đến năm 2030, Nam Ðịnh trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước”, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Ðịnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống hạ tầng giao thông của Nam Định được đầu tư ngày một đồng bộ.
Hệ thống hạ tầng giao thông của Nam Định được đầu tư ngày một đồng bộ.

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020 - 2050, Nam Định xác định tổng mức đầu tư các dự án ưu tiên khoảng 681.320 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 54.690 tỉ đồng, giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 107.010 tỉ đồng và khoảng 519.620 tỉ đồng trong giai đoạn 2030 - 2050.

Phương thức "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" tiếp tục được chú trọng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Theo đó, ngân sách tỉnh tập trung đầu tư các công trình lớn, không đầu tư dàn trải và ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và tổ công tác trực tiếp giúp chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý thông tin nhằm kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp (DN).

Hoạt động thu hút đầu tư trong giai đoạn này cũng diễn ra sôi nổi chưa từng có. Từ đầu năm 2024 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 731 DN và 49 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 27.067,5 tỷ đồng, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 13.164 đơn vị; Cấp mới với tổng số vốn đăng ký 123,8 triệu USD và 4597,5 tỷ đồng; 40 dự án (19 dự án FDI và 21 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 148,9 triệu USD và 5.691,6 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông - bản lề phát triển kinh tế

Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, năm 2024 tỉnh này đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN…

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Ðình Nghị, các dự án giao thông huyết mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nam Ðịnh, tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với địa phương trong khu vực, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào công nghiệp và phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Thời gian qua, Nam Ðịnh đã triển khai và đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); xây dựng cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình; xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam TP Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến quốc lộ 21B).

Theo đó, Nam Định đặt mục tiêu tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm phát triển của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 9,5%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng đáp ứng cao với nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Xác định phương châm “Đồng hành với DN, cùng hướng tới thành công”, tỉnh Nam Định cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư; sự thành công của DN cũng chính là sự thành công của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị nói.

GRDP tăng bình quân 7,5%/năm

Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, Nam Ðịnh đã đạt nhiều thành tựu và kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển mới trong từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt mức khá. Tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm (năm 2023 tăng 9,07%, cao nhất từ trước đến nay); tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 1,36 tỉ USD tăng 13,8% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt gần 5.270 tỉ đồng...

Đọc thêm