Nam thanh niên tử vong sau 3 tháng bị chó nhà cắn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận một bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh nhân là nam, 32 tuổi, trú tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 3 tháng trước, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn vào cổ tay trái, có xử lý vết cắn và đi khâu 3 mũi nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Đến ngày 23/11, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ngày 25/11, người nhà đưa bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên khám và điều trị với chẩn đoán: Theo dõi bệnh dại lên cơn.

Ngày 26/11, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Ngày 27/11, bệnh nhân tử vong tại nhà. Như vậy, đây là trường hợp tử vong thứ 4 nghi do bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người, theo số liệu thống kê trong vòng 05 năm qua trên cả nước và đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Hiện nay, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao. Để phòng ngừa, người dân cần tuân thủ một số lưu ý sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đọc thêm