Nam tiếp viên sống trên xe buýt suốt 4 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt ngưng chạy để chống dịch, hơn chục tiếp viên ở bến Đại học Quốc gia thất nghiệp, phải sinh hoạt, nấu ăn, ngủ nghỉ trên xe.

Từ cuối tháng 6, khi thành phố dừng hoạt động xe buýt, nhiều tài xế tại bến Đại học Quốc gia TP HCM (TP Thủ Đức) bị thất nghiệp. Không đủ tiền trả nhà trọ và về quê, ông Mai Thái Cường (52 tuổi, quê Hà Nội) phải ở lại trên xe. Cuộc sống ở quê khó khăn, ông vào Sài Gòn làm tiếp viên xe buýt được 2 năm nay.

"Lúc dịch bùng, cứ nghĩ chừng hơn tháng là hết ai ngờ đến giờ những chuyến xe vẫn chưa lăn bánh. Mấy tháng qua, tôi và đồng nghiệp ráng cầm cự, chạy ăn từng bữa", ông Cường nói.

Ông sống một mình nên đồ dùng trên xe khá đơn giản, chỉ vài bộ quần áo, bếp gas mini, thùng đựng nước, tấm lót để nằm ngủ... Nước được hứng từ máng xối xe buýt hoặc mua ngoài. Có những lúc không đủ nước nên hai ngày, ông Cường tắm một lần.

"Mì tôm với trứng là món 'trường kỳ kháng chiến' suốt mấy tháng dịch. Giờ tôi ngán mấy thức ăn đó tận cổ rồi, may sao thành phố cho bán mang về nên bữa cơm đã được cải thiện", ông nói.

4 ngày nay, ông Cường và 3 tiếp viên khác xin được công việc phụ hồ, làm từ sáng đến chiều ở một công trình xây dựng cách bến xe 4 km. Với ông giờ có công việc thời vụ nào cũng làm để có tiền trang trải trong lúc chờ xe buýt được chạy trở lại.

17h30, tan giờ làm về tới bến, ông Cường dọn rửa "nhà" - là xe buýt số 53, từ Đại học Quốc gia về đường Lê Hồng Phong (quận 10), nơi tá túc suốt 4 tháng nay.

"Bữa giờ tôi phải giấu nhà là cuộc sống trong này vẫn ổn. Gia đình ngoài quê cũng khó khăn mà tôi thất nghiệp nên buồn lắm vì không có tiền gửi về cho con cái được", ông nói.

Cùng phụ hồ với ông Cường, sau giờ làm anh Thạch Chăm Pha (37 tuổi, dân tộc Khmer) tranh thủ hái ít rau tự trồng để chuẩn bị bữa tối.

Từ Trà Vinh lên Sài Gòn mưu sinh hơn 15 năm, anh làm đủ nghề như sơn nước, phụ hồ trước khi đi tiếp viên hai năm nay. "Tôi bị bệnh tim không làm được mấy việc nặng nhọc nên theo nghề xe buýt là ổn. Lương khoảng 6 triệu đồng, còn chưa đủ trả nhà trọ, vì vậy từ trước dịch tôi đã ở trên xe buýt rồi", anh nói.

Món chính của bữa tối của anh Pha là thức ăn từ trưa được chiên lại. Với "thâm niên" dài ở tại xe buýt nên đồ nghề của anh khá đầy đủ. Ngoài dùng cụ làm bếp, gia vị còn có nồi cơm điện, quạt, phích nước, chăn màn...

Những tháng giãn cách, vài tiếp viên xe buýt khác hùn tiền mua chung đồ ăn, tận dụng góc bếp của anh Pha nấu nướng cùng nhau. Thức ăn tích trữ họ gửi nhờ tủ lạnh của xóm trọ cạnh bến xe.

Lúc 18h30, vừa nấu xong anh tranh thủ tắm rửa, giặt quần áo. Những xô nước được mua từ nhà dân cạnh bến xe, với giá 50.000 đồng một tháng.

Anh Pha cho biết, nước ở đây có phèn nên chỉ dùng tắm giặt. Để nấu ăn, uống thì phải hứng mưa từ máng xối xe hoặc mua nước bình mới đủ. Điện cũng được "câu" của nhà dân với giá 100.000 đồng mỗi tháng.

"Mỗi ngày tôi chỉ dám chi tiêu khoảng 50.000 đồng, còn để dành tiền mua thuốc nữa. Mấy tháng dịch cũng được hỗ trợ ít thực phẩm, tiền chỉ đủ để cầm cự. Chừng nửa tháng nữa, xe buýt chưa chạy, tiền bạc tích luỹ chắc không đủ sống quá", anh Pha cho biết.

Đối diện xe buýt của anh Pha là "nhà" của cha con anh Trần Phú Quý. Hai tuần nay, anh đón thêm cậu con trai út 4 tuổi từ huyện Long Thành (Đồng Nai) lên ở cùng để cho bớt nhớ.

Anh Quý có hai con, lớn nhất 12 tuổi đang ở quê với ông bà tại Đồng Tháp. Vợ làm công nhân ở Đồng Nai và nuôi con út, vì công việc nên mỗi người phải ở một nơi.

Buổi tối anh Quý thường mắc võng cùng con trai xem điện thoại hoặc gọi cho mẹ. Việc nấu nướng được thực hiện ở bếp của anh Pha. "Thằng bé thích ở xe buýt do được chạy nhảy khắp nơi nên không muốn về. Suốt 5 năm làm nghề này, chưa bao giờ tôi lại nghĩ xe là nhà, vậy mà ở riết cũng quen rồi", người đàn ông 41 tuổi nói.

Bên trong xe buýt ngột ngạt nên ban ngày mọi người hay ra công viên gần bến xe ngồi chơi hoặc đi dạo đây đó. Khi đêm xuống, họ thường ngồi uống trà, trò chuyện quanh chiếc bàn tự chế bằng bánh xe.

"Cuộc sống ở đây buồn tẻ lắm, hôm nào trời mưa thì ngủ sớm từ 21h. Xe buýt này cũ kỹ, không đóng hết cửa được nên muỗi vào nhiều, phải mắc màn mới ngủ được", anh Pha cho biết.

Cha con anh Quý cũng tắt điện, chuẩn bị đi ngủ từ khá sớm, người nằm võng, người ở dưới sàn. Xe anh còn mới, các cửa đóng kín nên không cần phải mắc màn.

Anh cho biết, điều mong chờ nhất là xe buýt sớm chạy trở lại và đông khách như trước, để có tiền trả món nợ 20 triệu đồng vay mượn lo cho con trong mấy tháng dịch.

Ông Nguyễn Vĩnh Tùng, Quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, tại đây hiện có khoảng 80 xe buýt và gần 50 tài xế, tiếp viên kẹt lại do dịch. Đa số những người mắc kẹt thuê phòng trọ gần bến xe ở tạm, khoảng hơn 10 người vì quá khó khăn nên phải tá túc trên xe buýt.

"Vừa qua đơn vị vận tải cũng có giúp tài xế, tiếp viên mỗi người một triệu đồng. Một số khác thì nhận gói cứu trợ của nhà nước hoặc được tặng như yếu phẩm", ông Tùng cho biết.

Từ ngày 4/10, TP HCM đã mở lại 4 tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ngày 25/10, thêm 4 tuyến khác sẽ được chạy với tần suất và thời gian hoạt động tùy theo tình hình và nhu cầu thực tế từng khu vực.

Đọc thêm