Nạn buôn người ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu bạn mua thực vật hoặc các sản phẩm làm từ những loại thực vật bị cấm ở Trung Quốc, bạn có thể bị bỏ tù 7 năm. Mua động vật có nguy cơ tuyệt chủng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Thế nhưng đối với người bị kết tội mua phụ nữ hoặc trẻ em, thời hạn tù tối đa là 3 năm, thậm chí còn không phải ngồi tù.
“Bà mẹ 8 con” bị xích cổ ở Từ Châu, Giang Tô là một trong những vụ việc thể hiện rõ nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc.
“Bà mẹ 8 con” bị xích cổ ở Từ Châu, Giang Tô là một trong những vụ việc thể hiện rõ nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc.

Mới đây, video một phụ nữ tâm thần họ Dương ở huyện Phụng Hiền, tỉnh Giang Tô bị chồng xích sắt trên cổ ngồi co ro trong căn nhà kho tồi tàn dưới tiết trời 0 độ C, đang phủ bóng dư luận Trung Quốc. Hình ảnh của người phụ nữ này thể hiện rõ một thực trạng xã hội phổ biến nhưng thường bị ngó lơ: Nạn buôn bán và bóc lột phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Các nhà chức trách ban đầu cho rằng cuộc hôn nhân năm 1998 là hợp pháp và cô được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Người phụ nữ này cùng với người chồng giam giữ mình đã có với nhau 8 người con nên được cho là không phải nạn nhân buôn người.

Nhưng sau áp lực lớn từ dư luận, dù nhiều lần bác bỏ, chính quyền huyện Phụng Hiền cuối cùng đã thừa nhận rằng Dương nhiều khả năng là nạn nhân của nạn buôn bán người. Người chồng đã bị bắt và bị buộc tội. Hai người khác đang phải đối mặt với cáo buộc buôn bán người. Đoạn video cũng tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi về nạn tảo hôn, quyền phụ nữ và việc bảo vệ những bệnh nhân tâm thần ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng hình phạt nghiêm khắc hơn cho những người thực hiện hành vi này sẽ giúp ngăn chặn nạn buôn người. Một số khác thì không nghĩ như vậy.

Chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và ưu tiên con trai đã dẫn đến hậu quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc. Hàng triệu người đàn ông độc thân ở Trung Quốc đang tìm vợ trong khó khăn. Mặc dù nạn tảo hôn đã bị cấm từ năm 1950, một số gia đình thường mua những bé gái mồ côi hoặc nghèo khó về nuôi làm dâu cho con trai của họ.

Trong phân tích hơn 1.000 văn bản pháp luật từ năm 2000 – 2017, Huang Zhongliang, giáo sư tại Viện Nghiên cứu An toàn Công cộng của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận thấy rằng phần lớn những kẻ buôn người là nam giới có trình độ học vấn thấp. Theo nghiên cứu năm 2019 của ông, hầu hết người mua là những người đàn ông độc thân muốn có con nối dõi tông đường. Giáo sư Huang cũng nhận ra rằng phụ nữ bị bắt cóc chủ yếu ở độ tuổi từ 14-30, phần lớn bị bệnh tâm thần hoặc là người ngoại quốc.

Trong khi đó, theo Jin Yongai, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, mong muốn có con trai được thể hiện mạnh nhất ở vùng nông thôn, nơi những quan niệm truyền thống vẫn còn phổ biến.

Kể từ khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng các hạn chế di cư vào thập niên 80, nhiều phụ nữ vùng nông thôn đã quyết định chuyển đến các thành phố lớn hoặc những khu vực giàu có hơn, thông qua nhiều con đường như học hành, việc làm hay kết hôn. Theo truyền thống, phụ nữ Trung Quốc thường kết hôn với nam giới có địa vị kinh tế xã hội cao hơn. Kết quả là nhiều đàn ông ở các vùng nông thôn kém phát triển sẽ ngày càng khó kiếm được vợ. “Khu vực nào càng nghèo và lạc hậu thì khả năng phụ nữ bỏ làng lên phố càng lớn và vấn đề mất cân bằng giới tính càng nghiêm trọng”, Jiang cho hay.

Hiện tượng “phụ nữ ế”, thuật ngữ dùng để chỉ những phụ nữ trên 27 tuổi chưa lập gia đình nhưng có học thức, phổ biến ở các thành phố lớn nhưng hầu như vắng bóng ở nông thôn. Trong khi những người vợ “ngớ ngẩn” hoặc “điên khùng”, ám chỉ những phụ nữ đã kết hôn bị khuyết tật về khả năng học tập, nhận thức hay mắc bệnh tâm thần, rất phổ biến ở các làng quê. Trong khi đó, nhiều người đàn ông nông thôn có địa vị kinh tế xã hội tương đối thấp, khiến họ gặp nhiều hạn chế trong lựa chọn bạn đời.

Theo luật hình sự Trung Quốc, hình phạt đối với tội buôn bán phụ nữ và trẻ em là từ 5 năm tù đến chung thân, thậm chí tử hình. Nhưng không giống như buôn bán động thực vật trái phép với tội danh quy đều cho cả bên mua và bên bán, những người mua phụ nữ và trẻ em có mức án nhẹ hơn nhiều so với người bán, với thời hạn tù tối đa là 3 năm.

Trước đó, khi bộ luật tố tụng hình sự lần đầu tiên được Trung Quốc ban hành vào năm 1979, mức xử phạt đối với kẻ mua phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc không hề được nhắc tới. Tới năm 1997, tội danh áp dụng với đối tượng mua phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc mới được bổ sung. Nhưng nếu kẻ mua không đánh đập hoặc ngăn chặn phụ nữ hay trẻ em bị bắt cóc trở về nhà, án phạt sẽ được giảm và có thể còn không phải ngồi tù. Còn vào năm 2015, Trung Quốc xóa bỏ miễn tù đối với đối tượng mua phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc, dù đối tượng không bạo hành hoặc không ngăn cản nạn nhân trở về với gia đình.

Ngày càng có nhiều người lên tiếng kêu gọi thay đổi điều này. Họ chỉ ra rằng nếu không có nhu cầu phát sinh sẽ không có hoạt động buôn người. Luo Xiang, một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết tội buôn người và mua người rõ ràng có liên quan đến nhau. Tuy nhiên, các hình phạt tối đa đối với người mua và người bán lại có sự chênh lệch. Các nhà chức trách đã thừa nhận sự cần thiết của việc trấn áp thị trường người mua đối với nạn buôn người và xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh mẽ để ngăn chặn các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thay đổi về mức phạt đối với người mua.

Trong khi các học giả và chuyên gia cho rằng việc tăng mức phạt cho người mua có thể là một phần của giải pháp. Hầu hết mọi người đều cho rằng như vậy là chưa đủ. Giáo sư Luo cho rằng việc tăng hình phạt để xoá bỏ hành vi mua bán người là một hy vọng viển vông. Luật sư Wang Fan ở Thượng Hải, người từng xử lý các vụ buôn người cho rằng việc sửa đổi luật là quan trọng, nhưng việc tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân còn quan trọng hơn.

Còn theo Feng Yuan, nhà hoạt động nữ quyền, buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu mà chưa quốc gia nào loại bỏ được. Bà cho rằng hình phạt với người mua cần được xem xét. Điều quan trọng là việc tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, hỗ trợ các nạn nhân. Bà nói, “Chừng nào sự bất bình đẳng và việc nhà nước thiếu hành động còn tồn tại, nạn buôn người sẽ còn tiếp tục”.

Đọc thêm