Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Đi đón giao thừa, 2 lần bị cướp giật!
Đó là trường hợp của bà Kim Thư, một du khách ở Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh đón thời khắc giao thừa. 21 giờ tối 31/12/2014, bà cùng đoàn du lịch đi dạo trên “phố Tây”- Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM để chìm đắm trong không khí lễ hội chào đón năm mới. Đi khoảng 300 mét trong tuyến phố tấp nập người qua lại, một đối tượng nam giới đi sát người và giật mạnh túi đeo trên vai của bà Thư. Phản xạ nhanh, bà Thư đã giật được lại chiếc túi của mình. Kẻ gian lập tức lẻn vào đám đông mất dạng.
Chưa kịp hoàn hồn, 15 phút sau bà Thư lại bị đối tượng khác trà trộn vào đoàn du khách giật dây chuyền đang đeo trên cổ. May mắn, bà Thư tóm được tay kẻ cướp giật và hô hoán. Cũng như lần trước, kẻ gian biến mất trong đám đông. Hai lần bị cướp giật “viếng thăm”, bà Thư chẳng còn tâm trí nào đón giao thừa. Bà đã về khách sạn, trong lòng không khỏi hoang mang, lo sợ.
Nạn móc túi, cướp giật không chỉ xảy ra với khách nội địa mà còn “phát triển” mạnh đối với khách quốc tế. Lợi dụng sự sơ hở của du khách nước ngoài và rào cản ngôn ngữ, đối tượng xấu đã móc túi, lấy đi tài sản lớn, đặc biệt là cả giấy tờ tùy thân khiến không ít du khách khổ sở, sợ hãi.
Tại phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, Dương Văn Tiến (22 tuổi, ngụ Quảng Bình) và Huỳnh Văn Phúc (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được Liu Meng Ying, quốc tịch Trung Quốc nhờ chụp ảnh giùm với bạn bè. Sau đó Phúc bảo Tiến dẫn bà Liu Meng Ying ra bãi biển chụp ảnh, còn túi xách của bà này được Phúc “trông giúp”. Thấy “con mồi” đã đi xa, Phúc lục túi xách lấy trộm 1 điện thoại di động, 85USD và 500 nhân dân tệ rồi tẩu thoát.
Chị Laura quốc tịch Ireland cùng bạn là Jane đến phố cổ Hội An để tham quan, du lịch. Đối tượng Nguyễn Minh Tâm (SN 1985, ngụ đường Phan Bội Châu, TP.Hội An) và Đỗ Văn Bông (SN 1982, ngụ phường Cẩm Phô, TP.Hội An, Quảng Nam), hành nghề xe ôm đã lừa chị Laura vào khách sạn cưỡng hiếp và cướp hai chiếc máy ảnh và một sợi dây chuyền vàng.
Đại sứ Argentina bị kẻ gian móc túi lấy cắp điện thoại di động tại Festival Huế 2012. Kẻ móc túi đã lách vào đứng giữa ngài Đại sứ và phu nhân, một tay giả vờ chụp ảnh còn tay kia móc điện thoại. Vụ kẻ gian giật dây chuyền của các du khách Ấn Độ và móc hàng chục điện thoại di động tại Giải Cờ vua thế giới Vũng Tàu cũng đã làm mất đi hình ảnh một Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế…
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cấp thiết tạo điểm đến an toàn
Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra những vụ cướp giật khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã gây ảnh hưởng và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh du lịch của mảnh đất hình chữ S này. Thậm chí khi đến Việt Nam, người nước ngoài còn rỉ tai nhau rằng, du lịch ở phố cổ Hà Nội nên tránh xa mấy người bán hàng rong để không phải mua đồ với giá cắt cổ, cũng như tránh bị móc túi. Cảnh giác hơn, thay vì đeo sau lưng, họ lại đeo balô... về phía trước ngực để khỏi phải bận tâm, sợ cướp giật đồ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch bức xúc: “Thay vì đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường nước ngoài, theo tôi, chúng ta nên tập trung xúc tiến du lịch tại chỗ, tức là xem xét lại các vấn đề quản lý trật tự xã hội tại địa phương”.
Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM đã tổ chức phát tờ rơi với những lời khuyên hữu ích để du khách bảo vệ tư trang và những địa chỉ, số điện thoại cần thiết cùng số điện thoại đường dây nóng nếu gặp sự cố khi đi du lịch ở thành phố này. Việc phát tờ rơi cảnh báo tội phạm đã được lực lượng cảnh sát nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Na Uy, một số nơi trên nước Mỹ áp dụng từ lâu. Đây còn được coi là nỗ lực phát triển ngành du lịch hướng đến một môi trường du lịch an toàn hơn của thành phố khi mới đây, Sở Du lịch TP.HCM vừa được tách riêng.
Để Việt Nam là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến, giao cho Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng đề án để thành lập cảnh sát du lịch.
Đó là những cố gắng từ phía Nhà nước để tìm những giải pháp tạo ra một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn cũng như thu hút khách đến Việt Nam để khách có một ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, dịch vụ, ưu đãi, khuyến mãi của các thị trường trong khu vực, việc tạo ra điểm đến an toàn cho du khách là việc làm cấp thiết để Việt Nam luôn mang trong mình vẻ đẹp bất tận.