Nan giải truy thu thuế “sao” Việt

(PLO) - Cát xê “khủng”, thù lao cao “ngất ngưởng” nhưng nộp thuế ít, trốn thuế đã khiến dư luận xã hội các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ bức xúc, lên án mạnh mẽ. Nhiều ngôi sao nổi tiếng đã phải “trả giá” bằng cả sự nghiệp vì bê bối trốn thuế. Song, nhìn lại Việt Nam, có tính trạng phổ biến là các ngôi sao thường chỉ đóng thuế khi bị phát hiện; còn nếu không bị phanh phui, khoản tiền thù lao nghiễm nhiên được “bỏ túi trọn gói”.
Nan giản thu thuế "sao" Việt
Nan giản thu thuế "sao" Việt

“Sao” hạng A nộp thuế chỉ bằng người bình thường

Đầu năm 2019, “nữ hoàng R&B” người Mỹ Toni Braxton bị xướng tên trong 2 vụ kiện bê bối vì không trả tiền thuế và bị Sở Thuế vụ Mỹ và Hội đồng thuế nhượng quyền thương mại California đệ đơn kiện với giá trị thuế nợ tổng cộng lên hơn 450.000 USD (hơn 10,5 tỷ đồng), gây xôn xao dư luận xã hội.

Không chỉ ở Mỹ, ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc cũng từng rối ren trong năm 2018 sau một loạt các ngôi sao nổi tiếng bị cáo buộc gian lận thuế, mà đứng giữa tâm điểm ồn ào là nữ hoàng giải trí của Trung Quốc – Phạm Băng Băng. Kèm theo đó, dư luận càng bức xúc hơn khi con số mở rộng ra từ 17 nghệ sĩ khác đến hơn 500 ngôi sao giải trí Hoa ngữ bị nghi ngờ có hành vi trốn thuế, trong đó có những cái tên đình đám, gạo cội như Ngô Kỳ Long, Dương Mịch, Triệu Vy, Lý Dịch Phong, Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy (Dương Dĩnh), Đặng Siêu, Tôn Lệ, Đường Yên, Địch Lệ Nhiệt Ba… 

Không ít ngôi sao Âu - Á phải “lao đao” vì bê bối trốn thuế; minh tinh Phạm Băng Băng lĩnh mức phạt tới 128 triệu đô (gần 3000 tỷ đồng), các hoạt động nghệ thuật của cô có dấu hiệu “ế ẩm” đi hẳn; nữ diễn viên Lưu Hiểu Khánh phải ngồi tù hơn 400 ngày; còn Song Hye Kyo - ngọc nữ của điện ảnh Hàn Quốc, sau khi bị phanh phui không nộp đủ thuế, dù đã nhanh chóng nộp thuế và công khai xin lỗi nhưng vẫn bị dư luận chỉ trích dữ dội.

Chính vì nhiều nhân vật trong ngành giải trí có thu nhập “khủng” nhưng lại có rất nhiều cách luồn lách trốn thuế, một số quốc gia đã phải đặc biệt chú ý tới vấn đề thu thuế của ngành giải trí. Còn tại Việt Nam, việc truy thu thuế của những ngôi sao có mức thu nhập “ngất ngưởng” cũng không hề dễ dàng, trong khi đó cát-xê nhiều ca sĩ, diễn viên, người đẹp ngày càng có xu hướng tăng không giảm. Tuy nhiên, mức thuế mà nhiều ngôi sao hạng A, hạng B đang đóng lại chỉ ngang ngửa hoặc có khi thấp hơn với mức làm công ăn lương ở một số ngành nghề khác. Năm 2012, dư luận bất ngờ khi được biết, từ những tính toán việc thu thuế một số ngôi sao hạng A như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh… cho thấy thu nhập của họ còn “thua” cả “đàn em” diễn viên – ca sĩ Minh Hằng thời bấy giờ. 

Theo tổng hợp nhiều nguồn tin, các sao hạng A nhận cát-xê khoảng từ 100 - 200 triệu đồng là chuyện bình thường; thế hệ sao mới xuất hiện sau các chương trình thực tế cũng nhận mức cát-xê cao hơn, ít nhất cũng từ 40 – 60 triệu đồng. Có những hiện tương ngôi sao nhí còn đạt cát-xê “khủng” từ 30 tới 100 triệu đồng. Cũng từng có “tin đồn” về số tiền cát-xê cao “ngất ngưởng” của các ngôi sao hạng A khi tham gia làm giám khảo cho một chương trình truyền hình thực tế lên tới số tiền tỷ, có ngôi sao cũng bỏ túi gần nửa tỷ cho hai tháng ngồi ghế nóng. 

Không chỉ ca sĩ, diễn viên, người mẫu mà giới nghệ sĩ hài, MC, người đẹp, blogger, facebooker… cũng nhận mức cát-xê “khủng” không kém. Các MC truyền hình đang nổi khi tham gia một sự kiện có thể nhận tới 5000 – 6000 USD (gần 140 triệu đồng) cũng là dễ hiểu. Còn các người đẹp đạt danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, “chân dài”, hot girl cũng được nhận thù lao cao ngất từ quảng cáo, cát-xê sự kiện, xuất hiện trước công chúng,… 

Mạnh tay xử lý trốn thuế

Ấy vậy, một tình trạng khá phổ biến là các ngôi sao Việt thường chỉ đóng thuế khi bị phát hiện. Năm 2014, Cục Thuế TP HCM đã mời 7 nghệ sĩ lên khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong giai đoạn 5 năm (từ 2009 – 2014), và kết quả 7 người bị truy thu thuế tới 4,4 tỷ đồng. Một đặc thù của giới giải trí là tính chất công việc không cố định, các nghệ sĩ không chỉ đi hát, diễn, chụp ảnh mà còn đi sự kiện, quảng cáo, đóng phim, tham gia truyền hình thực tế, sản xuất MV, viral clip trên mạng xã hội…., không ai có thể theo sát từng bước chân của các nghệ sĩ để có được thống kê đầy đủ những hoạt động thực tế của các ngôi sao; thì mặc nhiên những khoản thu không bị phát hiện sẽ được “bỏ túi trọn”. Đó là chưa kể, việc ghi trên hóa đơn thanh toán cát-xê “bèo bọt” không đúng với thực tể để qua mặt cơ quan thuế là một “thủ thuật” phổ biến.

Được biết, các thủ đoạn khác để né thuế của nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức sự kiện bao gồm: ký kết 2 hợp đồng với nhà sản xuất, một hợp đồng chính với mức thù lao thấp được nộp cho Cục Thuế và một hợp đồng khác chỉ có 2 bên giữ với mức thù lao thật; hoặc khi thỏa thuận cát-xê nghệ sĩ khoán cho đơn vị tổ chức “chọn bừa” một con số và đóng thuế cho họ bằng 10% tiền thù lao để đối phó với nghĩa vụ thuế. Một chiêu “trốn thuế” thông dụng khác là, có những nghệ sĩ thành lập công ty và dùng danh nghĩa công ty ký hợp đồng với các đối tác, phần cát-xê được tính vào doanh thu của công ty, còn nghệ sĩ thì nhận lương; do đó, chỉ cần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nếu công ty khai báo làm ăn thua lỗ thì không phải nộp các khoản thuế trên. 

Theo Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khi kinh doanh có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên mà không kê khai thuế để nộp thuế GTGT và TNCN theo quy định của pháp luật bị coi là hành vi trốn thuế. Các cá nhân có thu nhập thường xuyên từ 9 triệu đồng/tháng trở lên, mà công ty hay người sử dụng lao động có khấu trừ tiền thuế thu nhập nhưng không nộp cho cơ quan thuế cũng bị coi là hành vi trốn thuế. Theo đó, người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế nêu trên thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị xử phạt hành chính. 

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cá nhân, pháp nhân thương mại còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với tội danh trốn thuế khi thực hiện các hành vi: sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp. Cá nhân sẽ bị phạt tiền mức cao nhất là 4,5 tỷ đồng, hoặc chịu mức phạt tù lên đến 7 năm khi thực hiện các hành vi trốn thuế. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt lên đến 10 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Đứng trước những diễn biến phức tạp của việc truy thu thuế trong giới giải trí, các cơ quan thuế cũng đã đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; kèm theo công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nộp thuế. Dù vậy, nhiều người cho rằng, vẫn cần những biện pháp “mạnh tay” hơn để xử lý những hành vi vi phạm, đặc biệt khi những người nổi tiếng còn là hình mẫu cho đông đảo người hâm mộ noi theo, để lên án hành vi trốn thuế, răn đe những trường hợp sau này.