Có những trẻ em ngay từ lúc chào đời đã thiệt thòi vì không có cha. Nhưng, thiệt thòi này sẽ còn theo các em khi trong giấy đăng ký khai sinh, tên người cha bị bỏ trống.
Khi trẻ lớn lên, người lớn sẽ không thể giải thích nổi bởi sự thiếu hụt trong tấm “giấy thông hành vào đời”.
Không hôn thú sẽ khó tìm cha?
Trong con mắt bạn bè, chị Nguyễn Thị L ở quận Ba Đình, Hà Nội vốn là người sống khá thức thời. Ngoài 30 tuổi, có địa vị và kiếm được khá nhiều tiền nhưng chị chưa bao giờ có ý định kết hôn.
Mãi đến năm 2009, chán cảnh một mình lẻ bóng nên chị quyết định sinh con. Đứa bé trai là sản phẩm tình yêu giữa chị và một người đàn ông đã có gia đình
. Khi cháu bé được 3 tháng tuổi, đi làm giấy khai sinh cho con, cán bộ tư pháp phường yêu cầu chị xuất trình giấy đăng ký kết hôn, chị mới tẽn tò.
Hãy cân nhắc khi quyết định có con ngoài giá thú |
Sau đó, chị được cán bộ tư pháp hướng dẫn nếu không có đăng ký kết hôn mà có người nhận làm cha đứa trẻ thì người đó phải đứng ra làm thủ tục nhận cha cho con rồi mới được điền tên trong giấy khai sinh.
Vì không muốn đứa con sinh ra chỉ có mẹ mà không có cha, chị quay về khẩn thiết người tình đứng ra nhận con nhưng anh này từ chối.
Lúc này chị mới hiểu, cuộc tình mình tôn thờ bấy lâu chỉ là phút qua đường. Không thể bỏ vợ cũng như sợ dính dáng trách nhiệm sau này nên người đàn ông đó cắt luôn liên lạc.
Đắng cay, chị đành chấp nhận ghi tên mình vào một bên giấy khai sinh, còn bên kia bỏ trống.
Muốn có cha: phải kiện ra tòa
Không giống chị L, trường hợp của chị H.T ở TP. Hồ Chí Minh tưởng đơn giản hơn. Chưa chờ quyết định ly hôn người chồng cũ ráo mực, chị đã kết hôn với người mới mà không làm đám cưới.
10 tháng sau chị sinh một bé gái. Thế nhưng, khi chị đề cập đến chuyện đi làm đăng ký khai sinh cho cháu thì người chồng mới dở chứng: không biết đứa trẻ là con anh ta hay con người chồng trước.
Trẻ em cần được khai sinh theo quy định của pháp luật |
Mặc kệ tráo trở của anh chồng, chị T vẫn ra phường làm đăng ký khai sinh cho con.
Phát hiện việc này, người chồng chị lập tức có đơn ngăn chặn, không đồng ý việc ghi tên mình trong phần khai bố đẻ.
Cán bộ tư pháp phường lúng túng. Theo quy định tại Điều 63 Luật hôn nhân gia đình thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, điều 21 Nghị định số 70/CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật HNGĐ thì con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người.
Trường hợp của chị T, đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của chị với người chồng sau, nhưng lại sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày bản án ly hôn của chị với chồng trước có hiệu lực.
Do đó, về mặt lý, việc xác định cha đứa trẻ phải là người chồng trước, nhưng theo chị T. đứa con này thực tế là của người chồng sau.
Có ý kiến cho rằng vụ việc của chị T. là tranh chấp liên quan đến việc nhận cha, con nên chị phải kiện ra tòa để truy nhận cha cho con.
Sau khi Tòa phân xử, chị mới được quyền ghi tên người nào trong giấy đăng ký khai sinh của cháu bé.
Nan giải.
Khai sinh là quyền đầu tiên của mỗi trẻ khi có mặt trên đời.
Để đảm bảo quyền này pháp luật có những quy định hết sức thuận lợi, thông thoáng để trẻ được khai sinh và được quyền ghi những dữ liệu liên quan trong giấy khai sinh, trong đó có cả phần ghi tên người cha.
Nhưng, không phải lúc nào quyền có cha của trẻ được thuận lợi. Ngoại trừ lý do người đàn ông chối bỏ quyền làm cha, thì nhiều trường hợp khác do khách quan.
Ví dụ trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi, Nghị định 158 quy định UBND cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo tìm cha, mẹ để cho trẻ.
Tuy nhiên, khi đã bị bỏ rơi đồng nghĩa với việc cha mẹ đẻ của trẻ từ bỏ quyền này nên việc tìm cha mẹ chỉ là hình thức. Khi đó, trong giấy đăng ký khai sinh của trẻ, phần ghi về cha, mẹ và dân tộc sẽ bị bỏ trống.
Cũng là vướng mắc trong quy định của pháp luật về hộ tịch, vấn đề nhận trẻ làm con nuôi cũng không dễ.
Ví dụ một trẻ sinh ra đã được khai sinh có đầy đủ cả phần khai về cha, mẹ đẻ. Nhưng đến khi cháu được nhận làm con nuôi, do có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và người nhận nuôi cháu nên cháu thay đổi phần khai về cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi.
Tuy nhiên, người nhận con nuôi lại là phụ nữ chưa chồng nên trong giấy khai sinh chỉ có phần khai về mẹ nuôi mà không có cha nuôi.
Pháp luật về hộ tịch cho phép được bổ sung, cải chính những nội dung chưa được đăng ký trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh.
Những trường hợp chưa xác định được người cha trong phần khai về cha sau này nếu có đủ cơ sở vẫn có thể bổ sung, tuy nhiên thực tế lại nảy sinh nhiều rắc rối, mà có khi để điền được một dòng tưởng đơn giản đó là cả một hành trình dài.
Hơn cả là những khuyết thiếu trong giấy khai sinh sẽ có ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ sau này.
Bình An