Theo phân tích của báo chí nước ngoài, các con số được nêu trong báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu ố cho thấy hòa bình thế giới đã kém đi trong thập kỷ vừa qua, chủ yếu là do khủng bố và xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo báo cáo, số vụ khủng bố hàng năm đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2011.
Trong khi đó, số trường hợp tử vong vì khủng bố đã tăng hơn 900% kể từ năm 2007 tại 35 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong đó, 23 nước đã có nhiều người tử vong do khủng bố trong một năm qua, bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo nhận định Mỹ đã tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng về ảnh hưởng của khủng bố, rơi xuống vị trí thấp nhất trong số các nước phát triển.
Nguyên nhân của sự tụt hạng này là do các chuyên gia nhận định Mỹ đã có xung đột nội bộ gia tăng đáng kể do sự phân cực chính trị. Ngoài ra, tỷ lệ giết người cũng đã tăng lên ở một số thành phố lớn ở nước này. Thêm vào đó, nước này cũng đã xảy ra một số vụ tấn công, trong đó có một vụ nổ súng tại hộp đêm ở Orlando, Florida khiến 49 người chết trong năm ngoái.
Báo cáo nhận định thiệt hại do khủng bố gây ra với nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 lên đến 2,5 nghìn tỷ USD.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu hàng năm đánh giá 163 quốc gia và vùng lãnh thổ về xung đột, an toàn và an ninh trong nước, xung đột nội bộ và mức độ quân sự hóa của mỗi quốc gia.
Báo cáo này tương thích với một số báo cáo riêng rẽ của các nước trên thế giới. Trong đó, hãng tin CNA ngày 1/6 dẫn báo cáo do Bộ Nội vụ Singapore công bố cùng ngày ch ohay đe dọa khủng bố đối với nước này trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao nhất mọi thời đại.
Báo cáo đánh giá đe dọa khủng bố ở Singapore cũng cho rằng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nước này.
Bộ Nội vụ Anh cũng vừa công bố báo cáo đánh giá về đe dọa khủng bố trên toàn cầu, theo đó nhận định nguy cơ tấn công khủng bố rất có thể xảy ra ở 45 nước trên thế giới, trong đó có Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.