Nạn nhân bị “nhào nặn” thành bị can

Vào những ngày cuối năm 2010, “phần 2” của vụ nạn nhân “biến” thành bị cáo tại Hưng Yên tiếp tục được TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm và có kết quả tương tự như “phần 1”: Hủy án để điều tra lại. Nhìn lại hai bản án, người ta càng thấy rõ cái cách mà nạn nhân của vụ án đã bị “nhào nặn” thành bị can để khởi tố... 

Vào những ngày cuối năm 2010, “phần 2” của vụ nạn nhân “biến” thành bị cáo tại Hưng Yên tiếp tục được TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm và có kết quả tương tự như “phần 1”: Hủy án để điều tra lại. Nhìn lại hai bản án, người ta càng thấy rõ cách mà nạn nhân của vụ án đã bị “nhào nặn” thành bị can để khởi tố trong “phần 2” của vụ án. 

Bị hại tăng thương tích - bị cáo chuyển tội nhẹ

Như PLVN đã từng thông tin về vụ án: Chiều tối 26/6/2009, giữa chị Phùng Thị Hưởng (ở xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) và hàng xóm là chị Vũ Thị Thu Hà xảy ra xô xát, xuất phát từ cãi nhau trong việc đỗ xe ô tô. Vụ đánh nhau sau đó đã lan sang những người thân của hai bên. Kết cục, chị Hưởng cùng chồng là Nguyễn Viết Quang đã phải đưa đi cấp cứu. Phía bên kia, Trần Đăng Trung Kiên (cháu chị Hà) cũng phải đi viện.

Vụ án kéo dài bởi các bất cập từ phí.

Giám định vào tháng 8/2009 cho thấy, chị Hưởng bị tổn hại 16% sức khỏe, anh Quang bị tổn hại 11% sức khỏe, Kiên bị tổn hại 4% sức khỏe. Trên cơ sở lời khai nhân chứng và sự thừa nhận của Kiên, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Kiên về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, do chị Hưởng và bị can Kiên không chấp nhận kết quả giám định nên Cơ quan điều tra đã có quyết định trưng cầu giám định lại. Kết quả, chị Hưởng bị tổn hại 36% sức khỏe (tăng 20%), Kiên bị tổn hại 5% sức khoẻ (tăng 1%).

Với thương tích của bị hại Hưởng 36%, đáng lẽ Kiên phải bị truy tố ở Khoản 2, Điều 104, Bộ luật Hình sự (gây thương tích cho người khác trên 31%) nhưng Cơ quan điều tra lại chuyển tội danh cho Kiên sang một tội danh nhẹ hơn - “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kịch động mạnh”.

Theo Cơ quan điều tra, yếu tố làm Kiên “kích động mạnh” ở đây chính là hành vi của chị Hưởng khi “dùng gậy sắt (có hành vấu chữ U) đập vào đầu Kiên”. Với nhận định này, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố chị Hưởng về tội “Cố ý gây thương tích” và tách thành một vụ án khác.

Điều khó hiểu sau một loạt các hoạt động tố tụng trên là ở chỗ: Tại sao Cơ quan điều tra lại chuyển tội danh cho Kiên và xuất hiện việc bị hại có hành vi đánh người ở đúng thời điểm có giám định tăng % thương tích?.

Về điều này, gia đình chị Hưởng từng “tố” rằng,  mức độ nguy hiểm trong hành vi của Kiên đã bị kìm xuống bằng việc “nặn” ra lỗi của bị hại. Và nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi sau này, liên tiếp hai bản án sơ thẩm đã bị hủy vì chứng cứ trong hồ sơ không thể chứng minh được hành vi đánh người của chị Hưởng.

Thiếu chứng cứ kết tội nữ bị hại

Tại hai bản án sơ thẩm của TAND TP.Hưng Yên, Kiên bị phạt 28 tháng tù về tội“Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, Hưởng bị phạt 9 tháng tù (đều được hưởng án treo) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Tuy nhiên, cả hai bản án này đều đã bị hủy vì hồ sơ có quá nhiều mâu thuẫn. Điều đáng nói ở chỗ, hầu như các bản án đều đã thừa nhận việc Kiên đánh chị Hưởng. Mâu thuẫn và sai lệch chỉ xuất hiện ở phần liên quan đến hành vi của chị Hưởng, đồng nghĩa với việc, hành vi đánh người của Kiên chưa thể được coi là do “bị kích động mạnh”: Ngay sau khi sự việc xảy ra, người thân của Kiên cũng không hề có lời khai nào thể hiện việc Hưởng đánh Kiên cả.

Đơn cử như anh Cương (chú của Kiên) hoặc nhân chứng Hợp lúc đầu đều khai tại CQĐT rằng “không nhìn thấy Kiên bị đánh ra sao”. Nhưng sau này, cả hai người đều quay ngược lại rằng “thấy Hưởng đánh Kiên bằng tuýp sắt”. Nhân chứng Ba thì khai: “Khi chạy sang đánh Hưởng, Kiên vẫn chưa bị thương”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm cũng đã chỉ ra sự vô lý trong các hành vi của Kiên, Hưởng được nêu trong bản án sơ thẩm. Những bất hợp lý này cho thấy Cơ quan điều tra chưa làm thực nghiệm điều tra, chưa xác định được tư thế đánh, vết thương xem có phù hợp với lời biện minh của Kiên hay không.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án thể hiện một loạt các sai phạm về tố tụng như: Biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi Kiểm sát viên (KSV) tham gia nhưng không có chữ ký KSV; Cơ quan điều tra cho rằng Hưởng đánh Kiên bằng tuýp sắt (đầu có vấu hình chữ U) do chị Hà nộp. Cái gọi là vật chứng này lại do người hàng xóm đưa nhưng Cơ quan điều tra lại không lấy lời khai để làm rõ nên chưa đủ cơ xác định đây là hung khí của vụ án. 

Tất cả những mâu thuẫn trên khiến cả hai HĐXX đều không thể xác định ai là người đã gây thương tích cho Kiên nên đã không thể kết tội bị cáo Hưởng cũng như không thể để cho Kiên ở tình tiết “tinh thần bị kích động mạnh”. Đến khi nào Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hưng Yên mới nhìn thẳng vào những phán quyết của Tòa trên đây? .

Khoa Lâm

Đọc thêm