'Nạn Sugar-baby' gây nhức nhối, Cảnh sát hình sự sẽ 'dẹp' cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay là tội phạm mại dâm hoạt động trên không gian mạng, yếu tố nước ngoài, hoạt động theo hình thức “gái bao Sugar-baby”. Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Cục phó Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an trao đổi với báo chí liên quan vấn đề này.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Cục phó C02, Bộ Công an.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Cục phó C02, Bộ Công an.

Những “nhóm kín” tệ nạn

Thời gian gần đây, ở các TP lớn, nhiều gái mại dâm không còn đứng đường chèo kéo mà chuyển sang tìm kiếm khách trên mạng xã hội. Thiếu tướng nhận định vấn đề này như thế nào?

- Tội phạm và tệ nạn mại dâm vẫn đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt loại hình mại dâm lợi dụng không gian mạng để hoạt động, trong đó nổi lên là đối tượng sử dụng các nhóm kín, diễn đàn kín hoạt động mại dâm. Các nhóm, diễn đàn này, tuỳ điều kiện khác nhau mà có từ hàng chục đến hàng nghìn thành viên tham gia, thường thể hiện dưới các dạng sau:

Một là, tập hợp các đối tượng là người bán dâm, quản trị (admin) của nhóm là những người môi giới mại dâm chuyên nghiệp hoặc vừa làm môi giới, vừa bán dâm. Một admin có thể lập, điều hành nhiều nhóm kín khác nhau. Một người bán dâm cũng có thể tham gia nhiều nhóm kín.

Hai là, nhóm kín tập hợp các đối tượng có nhu cầu mua dâm, admin của nhóm là những người môi giới mại dâm chuyên nghiệp.

Ba là, diễn đàn kín, tập hợp các đối tượng là người bán dâm, môi giới mại dâm, người có nhu cầu mua dâm. Thông thường, admin diễn đàn này là những đối tượng môi giới mại dâm chuyên nghiệp.

Thực tế đấu tranh cho thấy, những người hoạt động mại dâm, nhất là ở các khu vực TP, đô thị,… đang có xu hướng tham gia ngày càng nhiều vào các nhóm kín, diễn đàn kín mại dâm. Với sự thông dụng của smartphone, internet, mạng xã hội đã làm cho việc kết nối giữa những người mua bán, môi giới mại dâm rất thuận lợi.

Việc sử dụng các nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động mại dâm làm các đối tượng không bị hạn chế về thông tin, hình ảnh, video,… trao đổi, không bị giới hạn về không gian, khu vực địa lý và cho rằng khó bị phát hiện bởi cơ quan chức năng do tính ẩn danh và độ bảo mật cao các ứng dụng.

Với thực tế trên, cùng với những yếu tố tác động, ảnh hưởng bởi các mặt trái của văn hóa xã hội trong cơ chế thị trường, sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một bộ phận người dân… là một trong những điều kiện dẫn đến việc “trẻ hóa” người mua bán, môi giới mại dâm, gây ra những hệ lụy xã hội xấu.

Vụ việc Công an TP Tuyên Quang triệt xóa đường dây môi giới mại dâm vào giữa tháng 10/2021 mà phần lớn người bán dâm còn rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 14 - 17 tuổi là một ví dụ điển hình.

Thực tế trên đòi hỏi lực lượng công an cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh những giải pháp, biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Thời gian tới, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục phối hợp triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm này.

Một nhóm gái bán dâm bị bắt quả tang.

Một nhóm gái bán dâm bị bắt quả tang.

8 giải pháp tăng cường đấu tranh, triệt xóa

C02 có đề xuất giải pháp gì để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm hoạt động mại dâm?

- Thời gian tới, C02 sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an triển khai sâu, rộng nhiều giải pháp.

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phòng chống mại dâm, giai đoạn 2021- 2025 theo chương trình của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu rộng trong quần chúng nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và mại dâm. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường vận động quần chúng nhân dân lên án, đấu tranh với tệ nạn này.

Hai là, thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn, tác hại của tội phạm và tệ nạn mại dâm đến với quần chúng nhân dân, chú ý những thủ đoạn lừa đảo đưa phụ nữ ra nước ngoài bán dâm, lợi dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, những người có hoàn cảnh khó khăn và số trẻ em có nguy cơ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo hoạt động mại dâm.

Ba là, phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; tăng cường thanh kiểm tra cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kịp thời.

Bốn là, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng. Tập trung phát hiện, đấu tranh triệt phá, truy quét các băng nhóm, đường dây môi giới, hoạt động mại dâm trên không gian mạng và có yếu tố nước ngoài.

Năm là, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố về hoạt động mại dâm theo đúng quy định pháp luật.

Sáu là, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, chuyên án, vụ án mại dâm phức tạp, nghiêm trọng nhằm đánh giá thực trạng tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là các hình thức, thủ đoạn mại dâm mới; xác định những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan mại dâm để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất có hiệu quả.

Bảy là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Công an cơ sở, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sỹ trong việc “lành mạnh hóa” địa bàn. Kịp thời phát hiện đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che cho tội phạm.

Tám là, nghiên cứu rà soát các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về quản lý ANTT với cơ sở kinh doanh có điều kiện, quy định về mức xử phạt với người mua bán dâm để tham mưu, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C02 đã chủ trì, phối hợp hoàn thành dự thảo Kế hoạch phòng chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Công an và đang báo cáo lãnh đạo Bộ duyệt ký, ban hành. Dự thảo nhấn mạnh các nội dung:

Bảo đảm 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời; hằng năm, tăng 3-5% số tội phạm liên quan mại dâm được xử lý theo quy định pháp luật; phối hợp kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.

Xác định đối tượng cần tập trung quản lý, đấu tranh. Thứ nhất là các đối tượng hoạt động trong cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về ANTT; trên lĩnh vực hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật, du lịch… nghi vấn hoạt động mại dâm.

Thứ hai là các đối tượng, băng nhóm nghi vấn tổ chức hoạt động mại dâm dưới hình thức “gái gọi”; môi giới dưới dạng hợp đồng nhận “con nuôi”, “cha nuôi” để tổ chức hoạt động mại dâm. Trong đó, đặc biệt chú ý vào đối tượng, băng nhóm chuyên nghiệp, hoạt động quy mô lớn, tính chất phức tạp.

Thứ ba là các đối tượng, băng nhóm có hành vi “bảo kê” hoạt động mại dâm; mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm; mua, bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có liên quan đến hoạt động mại dâm; và người có hành vi mua dâm, bán dâm.

Đọc thêm