'Nâng bước' phát triển từ việc đa dạng các loại hình du lịch ở Việt Nam

(PLVN) - Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi với cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, cùng bề dày văn hóa, lịch sử lên đến hàng nghìn năm, phù hợp phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Tuy nhiên, để khai thác được hết tiềm năng, ngành du lịch các tỉnh, địa phương của nước ta cần có một chiến lược lâu bền.
Xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, Ba Vì) đã có những bước phát triển nhanh chóng nhờ khai thác đa dạng các loại hình du lịch. (Ảnh: Văn Vịnh)

Xu hướng tất yếu

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km, bao bọc xung quanh bởi hồ Đồng Mô, cùng những ngọn đồi tự nhiên thơ mộng, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đang dần chuyển dịch từ một địa phương thuần nông sang kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, ông Trần Long Vân cho biết, xã là một địa phương còn “non trẻ” trong việc phát triển du lịch. Xã có lợi thế là vùng “bán sơn địa”, với vị trí địa lý nằm ven hồ Đồng Mô, khung cảnh thiên nhiên tương đối hoang sơ. Một số sản phẩm du lịch nổi tiếng của xã là thôn Lòng Hồ đã được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch, nón Ecologe, OCOP mật ong, sữa chua...

Xã đang tích cực phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch thể thao chèo sup, chèo thuyền kayak ở hồ Đồng Mô; du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên, tham quan các dải đồi bao bọc xung quanh xã;... Đặc biệt, xã Kim Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các hoạt động trải nghiệm. Du khách có thể đến tham quan đồi chè, vườn cây ăn quả mùa nào thức ấy, thưởng thức các sản phẩm OCOP bốn sao, ba sao của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, để phát triển du lịch bền vững, năm 2024 vừa qua, xã đã ra mắt Hợp tác xã du lịch Kim Sơn, đây là một cộng đồng gắn kết tất cả các cơ sở du lịch, cùng chia sẻ ý tưởng, dự định xây dựng tour, tuyến, tạo ra các chuỗi cung ứng phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, xã vẫn tiếp tục phát triển, nâng tầm các loại hình du lịch chủ lực của địa phương và đầu tư khai thác sản phẩm du lịch mới dựa trên nền tảng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái.

Thực tế, việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch đang là một xu hướng tất yếu ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Đã qua thời kỳ, các thành phố, tỉnh, địa phương làm du lịch theo mùa vụ, “ăn xổi”, không đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngày nay, từ lợi thế về địa lý, văn hóa lịch sử sẵn có, các tỉnh, địa phương nỗ lực khai thác những sản phẩm du lịch mới thu hút lượng khách đến tham quan, lưu trú.

Du thuyền chở khách tham quan Vịnh Hạ Long. (Ảnh: PH)

Rất nhiều điểm đến ở Việt Nam đang dần “thay da, đổi thịt” nhờ việc phát triển đa dạng loại hình du lịch. Như tỉnh Ninh Bình đang trở thành điểm du lịch hàng đầu với các loại hình như: du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch khám phá trải nghiệm; du lịch mạo hiểm. Hay tỉnh Quảng Ninh, vốn được thiên nhiên ưu ái cho đường bờ biển dài, với vịnh đảo mang tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, để phát triển du lịch bốn mùa, đáp ứng nhu cầu những tệp khách khác nhau, tỉnh có rất nhiều loại hình du lịch nổi tiếng khác như du lịch thể thao, du lịch văn hóa, du lịch tàu biển, du lịch ẩm thực...

Cần một chiến lược để phát huy hiệu quả các loại hình du lịch

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đa dạng các loại hình du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành Du lịch Việt Nam.

Đầu tiên, đa dạng các loại hình du lịch sẽ làm tăng lượng du khách đến tham quan, lưu trú. Thứ hai, nhờ có nhiều loại hình du lịch khác nhau, tính cạnh tranh, thương hiệu của điểm đến sẽ được nâng cao hơn. Thứ ba, việc đa dạng hóa các loại hình sẽ góp phần duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa của các điểm đến. Cuối cùng, nhờ có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, lượng du khách đến đông đảo, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản địa, các công ty du lịch - lữ hành và cơ sở lưu trú.

PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết, trong năm 2025, các thành phố, tỉnh, địa phương ở Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đầu tiên, du lịch Việt Nam hiện nay vẫn phát triển dựa trên bốn dòng sản phẩm và loại hình chính, đó là: Du lịch biển đảo; du lịch sinh thái tự nhiên; du lịch văn hóa; du lịch đô thị. Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn chưa khai thác hết cho bốn loại hình du lịch này. Lấy ví dụ về du lịch biển đảo, Việt Nam đang có một bờ biển dài khoảng 3.260km với hơn 400 bờ biển đẹp, hiện nay mới chỉ khai thác được gần 300 bãi biển. Đặc biệt, còn rất nhiều huyện đảo có vị trí “chiến lược” để phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước.

PGS.TS Phạm Hồng Long. (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định, ngoài bốn loại hình du lịch “nền tảng”, Việt Nam còn có tiềm năng lớn với một số loại hình du lịch khác, như du lịch nông thôn, gắn với hoạt động trải nghiệm, thăm vườn trái cây, tham quan làng nghề... Du lịch sự kiện, với các lễ hội âm nhạc, điện ảnh, thể thao có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, du lịch chăm sóc sức khỏe dần “lên ngôi”. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khu lưu trú hiện đại nhiều hoạt động, dịch vụ đáp ứng theo nhu cầu du khách, Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch này.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, các tỉnh, địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau để khai thác hiệu quả các loại hình du lịch. Đầu tiên, cần một kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch bền vững để phát triển “dài hơi”. Thứ hai, nguồn lực về con người, cần có những chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn, năng lực và nhận thức. Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà hàng, điểm “check-in”, cơ sở lưu trú... Thứ tư là, chiến lược marketing, truyền thông, quảng bá và cả kênh “truyền miệng” để khách du lịch biết đến các loại hình, sản phẩm du lịch. Cuối cùng, du lịch cần gắn liền với việc bảo về môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp.

Đọc thêm