Theo Bộ Y tế, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, bởi có đến 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó có 10% là người cao tuổi. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận. Do đó, mục tiêu trọng tâm là ưu tiên cho quản lý các bệnh không lây nhiễm là tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã.
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, y tế cơ sở (bao gồm y tế thôn, bản, xã phường, quận, huyện, thị xã) được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất.
Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế việc triển khai Trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc là: liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
Bộ Y tế đã xây dựng chương trình hoạt động để nâng cao chất lượng trạm y tế xã phường, bước đầu tập trung tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bao gồm: Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP HCM và Long An. Trong đó, TP HCM sẽ đẩy mạnh xây dựng trạm y tế xã Thạch An, Cần Giờ về cơ sở vật chất, cũng như nguồn nhân lực như trang bị X-quang, mở rộng phòng khám, luân phiên bác sĩ, hoàn thiện nhà thuốc đáp ứng nhu cầu.
“Các địa phương phía Nam cần phải bám sát UBND tỉnh để hướng tới việc thành lập ban chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành khác để hoàn thiện các trạm y tế xã điểm về cơ sở hạ tầng, nhân lực chuyên môn, trang thiết bị... Nếu làm được như vậy, 5 năm nữa, trạm y tế xã sẽ có chuyển biến tốt, góp phần tích cực trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.