Bệnh nhân đầu tiên thế giới hai lần ghép mặt

(PLO) - Mới đây, một người đàn ông Pháp trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép khuôn mặt đến 2 lần. 
Hamon và các bác sĩ thực hiện ca cấy ghép cho ông
Hamon và các bác sĩ thực hiện ca cấy ghép cho ông

Theo CNN, người đàn ông tên Jérôme Hamon, 43 tuổi, bị mắc chứng u sợi thần kinh là một rối loạn di truyền phá vỡ sự tăng trưởng của tế bào trong hệ thống thần kinh, gây ra các khối u hình thành trên mô thần kinh khắp cơ thể, từ đó gây nhiều biến dạng trên cơ thể, bao gồm khuôn mặt.

Hành trình tìm kiếm khuôn mặt

Vào tháng 7/2010, ông Hamon nhận được khuôn mặt hiến tặng từ một người 60 tuổi và được các bác sĩ tại bệnh viện Bệnh viện Châu Âu Georges Pompidou AP-HP ở thủ đô Paris (Pháp) phẫu thuật cấy ghép mặt điều trị căn bệnh quái ác.

Ca phẫu thuật thành công, ông Hamon sống với khuôn mặt được thay thế toàn bộ, bao gồm cả ống lệ và mí mắt. Tuy nhiên một thời gian sau, để trị bệnh cảm cúm, ông Hamon đã dùng thuốc kháng sinh không thích hợp với thuốc điều trị ức chế miễn dịch, vốn được dùng để duy trì khuôn mặt sau cấy ghép.

Đến năm 2016, khuôn mặt của ông Hamon bắt đầu có những dấu hiệu đào thải những phần da được cấy ghép. Và đến tháng 10/2017, toàn bộ khuôn mặt bị hoại tử hoàn toàn, các bác sĩ sau đó đã phải thực hiện phẫu thuật tháo mặt của Hamon vào tháng 11 và một lần nữa ông phải đăng ký vào danh sách chờ của Cơ quan Sinh học quốc gia Pháp để tìm kiếm khuôn mặt mới cho mình. 

Được biết, các bác sĩ cho biết việc cấy ghép lại sẽ xảy ra khi hệ miễn dịch của người nhận “tấn công” cơ quan hoặc mô được cấy ghép. Loại phản ứng mãn tính có thể xảy ra trong nhiều năm, và phản ứng miễn dịch liên tục của cơ thể có thể phá hủy dần dần các cơ quan hoặc mô được cấy ghép. Và chỉ có cách duy nhất là tháo bỏ cơ quan được cấy ghép và thay thế bằng cơ quan khác. 

Sau khi bị tháo toàn bộ khuôn mặt, Hamon chẳng khác nào “xác sống” theo mô tả của Lantieri. Ông phải nằm trong bệnh viện Georges-Pompidou 2 tháng trong tình trạng không có mặt, không thể nói hay ăn. Ông không có mí mắt, tai, da. Thính giác cũng bị hạn chế và chỉ có thể biểu đạt bằng cách xoay đầu chậm rãi hoặc viết ra mẩu giấy. 

Jérôme Hamon, người đầu tiên trên thế giới cấy ghép mặt 2 lần
 Jérôme Hamon, người đầu tiên trên thế giới cấy ghép mặt 2 lần

Cho đến đầu tháng 1 vừa qua, các bác sĩ tìm được một khuôn mặt phù hợp với Hamon để tiến hành phẫu thuật ghép mặt lần hai cho ông. Khuôn mặt cấy ghép này được lấy từ một nam thanh niên 22 tuổi đã qua đời ở nơi cách rất xa Hamon. 

Vô vàn rủi ro 

Việc cấy ghép mặt trên thế giới là rất hiếm, tính đến nay chỉ có khoảng 40 ca. Trong đó, 6 người đã chết. Cấy ghép mặt đòi hỏi bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch cả đời để ngăn cơ thể đào thải bộ phận cấy ghép. Sử dụng thuốc này cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và ung thư ở bệnh nhân.

Điển hình nhất là Isabelle Dinoire, bệnh nhân ghép mặt đầu tiên trên thế giới đã tử vong do biến chứng. Được biết, Isabelle Dinoire đã làm nên lịch sử của ngành y tế khi là người phụ nữ đầu tiên được ghép mặt vào năm 2005. Đến năm 2016, các bác sĩ tại bệnh viện Amiens, Pháp xác nhận cô đã qua đời ở tuổi 49 do biến chứng và bệnh tật. 

Cụ thể vào tháng 5/2005, do căn bệnh trầm cảm quá lâu, Dinoire đã quyết định uống một vốc thuốc ngủ với hy vọng có thể “ngủ quên mãi mãi”. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy. Dinoire tỉnh dậy, thấy mình đang nằm với khuôn mặt đau nhức, với chú chó nuôi trong nhà Labrador đang ngồi ngay bên cạnh. Hóa ra, chú chó phát hiện thấy chủ nằm bất tỉnh, nên đã tuyệt vọng tìm cách dùng răng cắn và dứt mặt để đánh thức cô dậy. 

Những vết cắn của chú chó Labrador đã làm rách toạc môi, mũi và cằm của Dinoire đến mức bác sĩ không thể gắn liền lại được. Cô được đưa đến bệnh viện Amiens và đã trải qua một cuộc phẫu thuật ghép mặt kéo dài 15 giờ đồng hồ với sự tham gia của 50 chuyên gia. Các bác sĩ quyết định ghép mặt cho Dinoire, sau khi 1 người chết đã hiến tặng khuôn mặt của mình cho cô Dinoire. Và cô Dinoire đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép mặt.

Tuy ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên này đã gây ra một làn sóng tranh cãi về vấn đề đạo đức vào thời điểm đó, nhưng các bác sĩ điều trị vẫn quyết định thực hiện ghép phần mũi, môi và cằm từ một người phụ nữ chết não lên khuôn mặt của bà Dinoire.

Giáo sư Bernard Devauchelle - người trực tiếp thực hiện ca ghép mặt ngày hôm đó cho hay: “Ngay khi tôi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của Isabelle thì không cần bàn cãi gì nữa, phải làm một điều gì đó cho bệnh nhân này”. 

Tuy nhiên, đến năm 2016 Dinoire đã qua đời vì ung thư ở tuổi 49. Theo tờ Le Figaro, cơ thể của Dinoire đã không chấp nhận những phần được cấy ghép từ năm ngoái và “một phần môi cấy ghép đã bị liệt, không thể sử dụng được nữa”.

Cô Isabelle Dinoire (đã qua đời), người đầu tiên trên thế giới cấy ghép mặt
Cô Isabelle Dinoire (đã qua đời), người đầu tiên trên thế giới cấy ghép mặt

Việc dùng quá nhiều thuốc giúp cơ thể chống đào thải những bộ phận được cấy ghép đã khiến cho Dinoire mắc phải hai căn bệnh ung thư cùng một lúc và tình trạng sức khỏe của bà ngày càng xấu đi, dẫn đến tử vong. 

Tinh thần “thép” của bệnh nhân

Dù Hamon phải chịu nhiều đau đớn và sống trong lo âu, chờ đợi người hiến tặng khuôn mặt nhưng người đàn ông vẫn luôn kiên trì chiến đấu, không biết mệt mỏi dù đó chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi. 

Ngày 15/1 vừa qua, ca phẫu thuật cấy ghép mặt lần hai diễn ra dưới sự chỉ đạo của giáo sư Laurent Lantieri, chuyên gia ghép mặt và tay, người từng ghép mặt cho Hamon lần đầu cách đây 8 năm. Sau nhiều giờ trong phòng phẫu thuật, cuối cùng Hamon cũng có khuôn mặt mới của mình.

Trước khi được phẫu thuật cấy ghép, Hamon đã được điều trị liệu pháp miễn dịch để giúp giảm nguy cơ đào thải lần nữa. “Đây là ca phẫu thuật cấy ghép mặt lần hai. Đến giờ, bệnh nhân đã có ba khuôn mặt. Điều này cho thấy khuôn mặt cũng giống như bất kỳ cơ quan nào của cơ thể đều có thể được cấy ghép nhiều lần”, bác sĩ Laurent Lantieri nói.

Bác sĩ gây mê Bernard Cholley cho biết: “Tất cả mọi người trong bệnh viện đều ngạc nhiên bởi lòng dũng cảm của ông Hamon, ý chí và sức mạnh của ông trong tình cảnh khó khăn như vậy thật khiến người ta phải nể phục”. 

Trong thời gian điều trị, chính giáo sư Laurent Lantieri cũng cảm thấy thán phục trước “sức mạnh phi thường và “tinh thần thép” của Hamon khi chiến đấu với bệnh tật. “Ông ấy chưa một lần phàn nàn hay rên rỉ, ngay cả khi phải sống trong bóng tối suốt 3 tháng liền. Một con người có thể trải qua tất cả nỗi đau này, chẳng khác nào trải qua một cuộc chiến tranh hạt nhân và anh ấy đã làm rất tốt”, bác sĩ Lantieri chia sẻ. 

Ba tháng sau ca phẫu thuật lần hai, Hamon vẫn ở trong bệnh viện Georges-Pompidou. Bác sĩ Lantieri nói rằng bây giờ Hamon được theo dõi cẩn thận. “Chúng tôi vẫn rất lưu tâm đến khả năng cơ thể anh ấy lại đào thải khuôn mặt này”, Lantieri cho hay.

Hiện gương mặt mới của Hamon hiện vẫn còn mềm và bất động, hộp sọ, da và các nét chưa được sắp xếp hoàn chỉnh. Nhưng sau tất cả những lo lắng và đau đớn, Hamon lại một lần nữa như được “sống lại”.

Ông nói, “Từ lần đầu tiên tôi chấp nhận việc cấy ghép, tôi luôn nghĩ dù hình dạng khuôn mặt có thay đổi như thế nào, đó vẫn khuôn mặt của mình và lần này cũng giống như vậy”. Thậm chí Hamon còn lạc quan nói đùa rằng: “Tôi 43 tuổi, người hiến tặng 22 tuổi, vì vậy giờ đây tôi trông như thanh niên 22 tuổi vậy”.

Tiến sĩ Maria Siemionow, giáo sư phẫu thuật chỉnh hình thuộc Đại học Illinois, Chicago nói rằng, việc ông Hamon trở thành người ghép mặt hai lần đầu tiên trên thế giới đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lĩnh vực y khoa nói chung và lĩnh vực cấy ghép mặt nói riêng. Hiện trên khắp thế giới, có ít nhất 39 cuộc phẫu thuật ghép mặt, nhưng đối với trường hợp của ông Hamo đây là “trường hợp đầu tiên trên thế giới”. 

Ca phẫu thuật ghép mặt của Hamon thành công tốt đẹp mở ra hy vọng cho những người rơi vào hoàn cảnh không may mắn như ông. Điều đó cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của y học và khẳng định một điều rằng “bàn tay con người có thể làm nên tất cả”...

Đọc thêm