Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại các nhà trường Quân đội

(PLVN) - Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nói chung, đào tạo ngoại ngữ nói riêng là bước chuẩn bị lâu dài, căn bản của các nhà trường Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Những thành công trong dạy và học ngoại ngữ thời gian qua đã khẳng định sự đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT trong Quân đội.
Học ngoại ngữ tại Học viện Hậu cần.
Học ngoại ngữ tại Học viện Hậu cần.

Nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học

2019 là năm trọng tâm thực hiện công tác nhà trường quân đội. Theo chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu đã triển khai thực hiện đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo trong các nhà trường quân đội” tạo sự phát triển đồng bộ và toàn diện nhiệm vụ GD-ĐT trong toàn quân. 

Trong đó công tác đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo, vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng trường đại học và chương trình đào tạo trong các nhà trường quân đội, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân. 

Đẩy mạnh việc dạy, học ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường Quân đội (sau đây gọi chung là các nhà trường) và bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong toàn quân, Bộ Quốc phòng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”.

Đặc biệt, ngày 09/11/2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị 89/CT-BQP “Về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội” nhằm tăng cường chỉ đạo vấn đề này.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Nhà trường đã phối hợp với Học viện Khoa học Quân sự xây dựng, triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Quân sự giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm xây dựng Học viện này thành trung tâm đào tạo ngoại ngữ hàng đầu của Quân đội, đủ khả năng đánh giá năng lực ngoại ngữ, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ theo chuẩn quốc gia và quốc tế. 

Để tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường Quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức các Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, trường sĩ quan, đại học toàn quân; chỉ đạo các cơ quan, nhà trường tiến hành nghiên cứu và làm công tác chuẩn bị để triển khai thí điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học.

Đặc biệt, Bộ đã cho phép các nhà trường bổ sung khối A1 (Toán, Hóa học, tiếng Anh) trong xét tuyển sinh quân sự, nhằm tạo nguồn đầu vào có năng lực, trình độ ngoại ngữ tốt cho Quân đội v.v.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Đối với các nhà trường, việc thực hiện Chỉ thị 89/CT-BQP được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai quyết liệt, kịp thời, với nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả cao.

Bên cạnh chú trọng kiện toàn các khoa, bộ môn ngoại ngữ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên ngoại ngữ có chất lượng cao, các nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, điều chỉnh chương trình dạy, học ngoại ngữ cho các đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong dạy, học ngoại ngữ; đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học viên; ưu tiên đầu tư trang thiết bị, xây dựng, củng cố các phòng học đa năng, chuyên dùng phục vụ dạy, học ngoại ngữ, v.v.

Học tiếng Anh ngoài giờ tại Trường ĐH Chính trị. Ảnh: Phạm Xuân Thông.
 Học tiếng Anh ngoài giờ tại Trường ĐH Chính trị. Ảnh: Phạm Xuân Thông.

Cùng với đó, các nhà trường đã có nhiều mô hình hay, biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên, học viên, như: thành lập và duy trì hoạt động của các “Tổ học tập ngoại ngữ”, “Câu lạc bộ tiếng Anh”; triển khai hệ thống bảng, biển, pa-nô, khẩu hiệu song ngữ; ghi chú mô hình, học cụ và quy định chào hỏi, báo cáo lên lớp, xuống lớp bằng ngoại ngữ; bổ sung sách, báo ngoại văn cho thư viện và lấy năng lực ngoại ngữ là một tiêu chí để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ v.v.

Nhờ đó, đã tạo môi trường, động lực tích cực trong học tập, sử dụng ngoại ngữ. Đáng chú ý là, một số nhà trường đã mạnh dạn thí điểm giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, tiếng Nga, thu được kết quả bước đầu và nhiều kinh nghiệm bổ ích. 

Bộ đội hải quân là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước xác định tiến thẳng lên hiện đại; đồng thời trực tiếp quản lý, khai thác nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới... nên việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trở nên cấp thiết.

Cùng với đó, những năm gần đây, bộ đội hải quân thường xuyên tham gia các hoạt động đối ngoại quân sự, hợp tác quốc phòng nên một trong những yêu cầu bắt buộc là cán bộ, chiến sĩ phải biết và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Học viện Hải quân (HVHQ) xác định: Nâng cao chất lượng dạy học là một trong 3 đột phá trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. 

Với yêu cầu đào tạo cho cán bộ phân đội đạt chuẩn đầu ra có kỹ năng hội nhập, với trình độ tiếng Anh đạt từ 450 điểm TOEIC trở lên, có trình độ và khả năng sử dụng tin học phục vụ chuyên môn và công tác quản lý..., năm học 2018-2019, HVHQ có nhiều học viên đăng ký và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh và tiếng Nga.

Trong chương trình bảo vệ luận văn tốt nghiệp, học viên khóa 59 cấp phân đội, HVHQ có tới 7 học viên đăng ký bảo vệ luận văn bằng ngoại ngữ (6 học viên đăng ký tiếng Anh, 1 học viên đăng ký tiếng Nga); đưa môn ngoại ngữ vào môn thi tốt nghiệp bắt buộc... 

Đọc thêm