Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An cho biết, Luật TTTP về dân sự là một trong bốn luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP). Trong quá tình tổng kết Luật TTTP phần nội dung TTTP về dân sự, bên cạnh những bất cập chung của Luật TTTP, quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu mới của sự phát triển trong lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều điều ước quốc tế (ĐƯQT) mới trong lĩnh vực này.
Việc xây dựng Luật TTTP về dân sự là yêu cầu cấp thiết khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong TTTP về dân sự, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới. Luật TTTP về dân sự được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định TTTP trong lĩnh vực dân sự còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động TTTP về dân sự.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An. |
Mục đích xây dựng dự án luật TTTP về dân sự là hoàn thiện pháp luật TTTP về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các ĐƯQT về TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động TTTP về dân sự với Việt Nam.
Dự thảo Luật TTTP về dân sự được xây dựng với bố cục gồm 5 chương, 41 điều. Trong đó, Chương I những quy định chung, gồm 11 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phạm vi TTTP về dân sự, giải thích một số thuật ngữ, nguyên tắc TTTP về dân sự… Chương này cơ bản kế thừa quy định của Chương I Luật TTTP, đồng thời có một số nội dung mới cụ thể hóa các chính sách đã được phê duyệt.
Chương II thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam gồm 8 điều, quy định về thẩm quyền yêu cầu TTTP; hồ sơ; trình tự thủ tục tiếp nhận và giải quyết yêu cầu TTTP về dân sự của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tại Việt Nam gửi đi nước ngoài; chuyển giao yêu cầu TTTP theo phương thức điện tử; thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến…
Thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến tại phiên họp. |
Cho ý kiến tại Hội đồng thẩm định, đại diện VKS cơ bản nhất trí với tờ trình, đồng thời góp thêm một số ý kiến: thẩm quyền kiểm tra thuộc về TAND tối cao; bổ sung thêm quy định nhiệm vụ của cơ quan Trung ương trong TTTP về dân sự; cân nhắc bổ sung quy định về chi phí dịch hồ sơ, tài liệu; sắp xếp lại bố cục một số điều cho phù hợp: nhập điều 15 và 16 làm một, để điều 19 lên trước điều 18; sửa lại tên một số điều cho phù hợp…
Đại diện Bộ Công an cũng đồng quan điểm với đại diện VKS. Theo vị này, Vụ Pháp luật Quốc tế đã xây dựng hồ sơ dự án Luật khá đầy đủ, đã kịp thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp. Sau đó, vị này đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sử dụng thuật ngữ TTTP cho thống nhất; bảo đảm phù hợp với một số luật khác…
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, nội dung Dự án Luật phù hợp với các Hiệp định TTTP về dân sự mà Việt Nam đã ký với các nước, phù hợp với các Công ước quốc tế, ĐƯQT..
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến chuyên sâu, chi tiết của thành viên Hội đồng thẩm định. Thứ trưởng đánh đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ Dự thảo Luật, việc đánh giá tác động, lấy ý kiến các cơ quan liên quan liên quan… của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp. |
Thứ trưởng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác TTTP về dân sự, cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang thông thoáng, trước hết là từ phía Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu hồ sơ yêu cầu TTTP về dân sự phải rất rõ, đặc biệt là trong trường hợp phải phối hợp giữa Toà án với các cơ quan hành pháp; cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu cách thức và các trường hợp được sử dụng hồ sơ điện tử; bổ sung thời hạn thực hiện từng bước trong quá trình TTTP về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đăc biệt là các cơ quan địa phương.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật sẽ tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và hoàn thiện báo cáo thẩm định để trình Chính phủ./.