VCCI: Nhiều quy định về chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá chưa rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Góp ý về Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa đảm bảo tính minh bạch.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá của Bộ Tài chính (Dự thảo).

Theo VCCI, khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định trong quá trình triển khai thực hiện, kế hoạch kiểm tra có thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định việc điều chỉnh và lý do điều chỉnh kế hoạch kiểm tra phải được gửi tới đối tượng được kiểm tra. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Dự thảo kế hoạch kiểm tra sẽ được gửi đến từng đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt.

Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI cho rằng Bộ Tài chính nên bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo theo hướng sau khi điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm gửi thông báo tới đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.

Đối với quy định hoãn, hủy kiểm tra VCCI cũng cho rằng, quy định này chưa rõ ràng.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 4 Dự thảo, các trường hợp được gửi văn bản để xem xét việc hoãn, hủy kiểm tra gồm: giải thể, sát nhập; thuộc đối tượng được kiểm tra, thanh tra, điều tra đột xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lý do khách quan khác. Theo VCCI, các trường hợp trên là chưa đủ bao quát trên thực tế vì có những trường hợp đối tượng được kiểm tra không thể chấp hành quyết định kiểm tra như chia tách, phá sản.

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng quy định hoãn, hủy kiểm tra không rõ về trình tự thủ tục để đối tượng được kiểm tra đề nghị cơ quan có thẩm quyển ra quyết định hoãn, hủy kiểm ra (hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục).

Ngoài ra, các trường hợp được liệt kê tại Khoản 2 Điều 4 Dự thảo cũng không rõ trường hợp nào sẽ hoãn kiểm tra, trường hợp nào sẽ hủy kiểm tra.

“Việc thiếu rõ ràng trong quy định trên có thể khiến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn” – VCCI nhận định, vì vậy cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính quy định cụ thể, rõ ràng các vấn đề nêu trên.

Đối với quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định, Trưởng đoàn kiểm tra có quyền hạn “đề xuất gia hạn kiểm tra trong trường hợp cần thiết”.

VCCI cho rằng, việc gia hạn kiểm tra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng bị kiểm tra, vì vậy các trường hợp gia hạn kiểm tra phải được quy định cụ thể, rõ ràng để tránh hiện tượng việc gia hạn được thực hiện một cách tùy nghi. “ “Trường hợp cần thiết” là quy định chung chung, chưa đủ rõ ràng, đề nghị Bộ Tài chính quy định rõ các trường hợp gia hạn kiểm tra” - VCCI nêu ý kiến.

Về việc xử lý các kiến nghị kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định “ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải xây dựng báo cáo kiểm tra và gửi đến cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra để xem xét …”, VCCI cũng đề nghị ban soạn thảo quy định theo hướng quy định thời gian cụ thể. Ví dụ: trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra) thay vì quy định “ngay khi kết thúc kiểm tra”.

Đọc thêm