Nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(PLVN) - Ngày 22/7, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo yêu cầu của Nghị quyết số 66 /NQ-CP”.
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hỗ trợ pháp lý được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV nâng cao hiểu biết, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, từ đó góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý, tranh chấp pháp lý khi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế đất nước đang được vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Với vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng doanh nhân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành một số chủ trương dành cho đội ngũ này. Trong đó phải kể tới Nghị quyết số 41-NT/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 66 của Chính phủ đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra một số mục tiêu quan trọng…

Bà Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại hội thảo.
Bà Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại hội thảo.

Bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các DNNVV chiếm đến hơn 97%.

Những năm qua, khu vực DNNVV đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây là lực lượng yếu hơn cả về nội lực và ngoại lực so với cộng đồng các doanh nghiệp nói chung. Bởi vậy, hỗ trợ pháp lý để giúp nhóm doanh nghiệp này phòng ngừa, hạn chế các vướng mắc, rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết.

Tại hội thảo, gần 150 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa, đại diện Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và một số DNNVV trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc của công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV hiện nay, từ thể chế, quy định đến tổ chức thực hiện các văn bản hiện hành; kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đưa ra các giải pháp khắc phục một số bất cập về thể chế, quy định hiện hành về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Đọc thêm