Tham dự buổi Tọa đàm có ông Phạm Chí Công, Đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Mai Đức Kiệm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; PGS.TS Dương Đăng Huệ, Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp và đại diện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu tại Toạ đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức đã cùng Bộ Tư pháp lấy ý kiến khảo sát từ phía các doanh nghiệp để có phương án cụ thể nhất trình lên Thủ tướng Chính phủ. Ông Tú cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, trao đổi những mô hình hay trong công tác này rất quan trọng, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc hỗ trợ pháp lý liên ngành đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá sự cần thiết của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, PGS.TS Dương Đăng Huệ, Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp cho biết các phương án thực thi của dự án như: Nhà nước đứng ra cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cần phải thành lập bộ máy thực thi đầy đủ bao gồm các bộ, ban, ngành liên quan, trong đó Bộ Tư Pháp nắm giữ vai trò chức năng thực hiện chính và kinh phí thực hiện của Chương trình cần phải phù hợp.
PGS.TS Dương Đăng Huệ, Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp phát biểu tại Toạ đàm. |
Hiện nay, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang nhận được sự đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 sẽ kế thừa và phát triển các kết quả hoạt động của Chương trình 585. Đồng thời cũng cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2015-2020 và bổ sung các nội dung đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế xã hội, để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả, thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp.