Nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước

(PLVN) -Ngày 25/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm đánh giá kết quả, nhận diện hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn.

Giải quyết xong 60 vụ việc với số tiền gần 29 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn nêu rõ Luật TNBTCNN năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Luật TNBTCNN là bước tiến lớn trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bồi thường nói riêng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình tổng thể triển khai thi hành Hiến pháp năm 213. Sau gần 5 năm thi hành, công tác BTNN đã đạt được kết quả tương đối toàn diện trên nhiều mặt, các mục tiêu ban hành luật cơ bản đạt được, các quy định của luật đã dần đi vào cuộc sống.


Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn phát biểu khai mạc.

Để nhìn nhận toàn diện khách quan, đánh giá hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong gần 5 năm thi hành Luật, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm này để các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả đạt được trên các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó cùng trao đổi, nhìn nhận khách quan các mặt tích cực, hạn chế, khó khăn, bất cập của Luật trong quá trình triển khai.

Ông Bốn nhấn mạnh Luật TNBTCNN là một trong những Luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của nước ta. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Bộ Tư pháp mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý thẳng thắn của lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm.

Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương thông tin về kết quả sau gần 5 năm thi hành Luật TNBTCNN

Thông tin về thực tiễn 5 năm thi hành Luật TNBTCNN, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Lê Thái Phương cho biết thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phát huy tính chủ động trong các mặt công tác triển khai thi hành Luật như: ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thi hành; hoàn thiện thể chế; hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp quản lý nhà nước đối với các Bộ, ngành, địa phương…

Từ năm 2018 đến năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức 29 cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác BTNN tại các địa phương; phối hợp thực hiện 14 cuộc kiểm tra liên ngành. Từ 1/7/2018 đến 31/12/2021, các cơ quan giải quyết bồi thường đã giải quyết xong 60/124 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định, bản án giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là gần 29 tỷ đồng và hơn 100 chỉ vàng, còn lại 64 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết.

Việc tổ chức công khai xin lỗi người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, việc xác minh thiệt hại, thương lượng với người có yêu cầu bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Khó khăn xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Theo đó, đại diện Tòa án nhân dân tối cao nêu lên một số vấn đề như: do sự thay đổi của pháp luật, các quyết định chấm dứt tố tụng tuyên không rõ, làm khó cho việc xác định người có yêu cầu có phải là người bị oan hay không. Tồn tại một số vụ án hình sự xảy ra từ lâu, khi giải quyết bồi thường thì hồ sơ, tài liệu còn rất ít, rất khó để xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường và thiệt hại cần bồi thường. Có những vụ án hình sự chưa giải quyết dứt điểm để hết thời hạn điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự, sau đó cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà không làm rõ được bản chất của vụ việc là oan…

Còn theo đánh giá của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, việc áp dụng các căn cứ pháp luật để xác định thiệt hại bồi thường chưa có sự thống nhất trong các cơ quan tố tụng. Trong quá trình giải quyết, người bị thiệt hại không chấp nhận báo cáo, kết quả xác minh của Viện kiểm sát và nhiều lần xin gia hạn thời hạn tự cung cấp tài liệu chứng minh thiệt hại. Có vụ việc đã thương lượng nhiều lần không thành, khi khởi kiện ra Tòa án thì người bị thiệt hại không hợp tác hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ để Tòa thụ lý theo quy định.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BTNN, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất một số giải pháp như: tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế về pháp luật TNBTCNN để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2025-2030. Nâng cao hiệu quả phối hợp, chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu quản lý nhà nước về công tác BTNN, kỹ năng nghiệp vụ về hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu BTNN…

Đọc thêm