Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cơ quan kiểm toán tối cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 9/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo quốc tế “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh N.Lộc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh N.Lộc

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội thảo.

Cùng dự có hơn 100 khách mời gồm các đại biểu quốc tế là đại diện các SAI, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ quán tại Việt Nam và đại biểu trong nước.

Thúc đẩy nền tài chính, quản trị lành mạnh

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá vai trò của các SAI trong PCTN, nhất là trong bối cảnh nạn tham nhũng đã trở thành một hiện tượng xã hội tồn tại ở tất cả các quốc gia, mang tính toàn cầu.

Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng của KTNN Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành mới trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, góp phần ghi dấu ấn của KTNN Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, KTNN Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, phù hợp với Tuyên bố Lima và Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về vai trò, vị thế của các SAI.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, sau 3 thập kỷ phát triển, KTNN Việt Nam đã chứng tỏ vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực; đồng thời có những đóng góp nhất định cho cộng đồng các SAI của các quốc gia trên thế giới và hoạt động của tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao.

30 năm qua, KTNN đã xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong phát triển KTNN thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài chính công, tài sản công; cung cấp kịp thời thông tin, báo cáo kiểm toán cho Quốc hội phục vụ chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đóng góp quan trọng vào việc kiểm tra, kiểm soát tài chính, tài sản công và phê chuẩn quyết toán cho các địa phương; đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc PCTN, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.

KTNN đã phát huy được các giá trị truyền thống trong việc bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng; thúc đẩy nền tài chính, quản trị lành mạnh và nâng cao chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ; kiến nghị, cảnh báo nhằm ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng, gian lận và hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử.

Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Nhấn mạnh dấu mốc 30 năm trưởng thành và phát triển của KTNN Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp KTNN Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công, những lĩnh vực kiểm toán mới của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn; đồng thời tạo cơ hội để KTNN Việt Nam tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các SAI trong khu vực và thế giới.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ thu được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho KTNN Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến “Vai trò của các SAI trong PCTN, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.

Phát huy vai trò của KTNN trong PCTN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, tham nhũng được xác định là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu lực của nền hành chính công và làm cho việc sử dụng tài chính, tài sản công kém hiệu quả.

PCTN là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp bởi tham nhũng gắn liền với quyền lực của những người có chức, có quyền và liên quan đến cả lợi ích vật chất và phi vật chất.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng nhiều vấn đề mới nổi trong thời đại ngày nay, việc hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển nói chung và trong chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu thiết thực. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

Cũng theo Tổng KTNN, vai trò truyền thống của SAI được cho là nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công vì một môi trường quản trị nhà nước tốt. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của SAI trong PCTN trước hết là vai trò gián tiếp, tập trung vào ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ - đối tượng kiểm toán của SAI, đặc biệt là do hiệu quả, hiệu lực hoạt động và uy tín của SAI ngày càng tăng, tại một số quốc gia, SAI có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.

Trong cộng đồng Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhận thức về vai trò của SAI trong PCTN lần đầu tiên được đề cập tại Đại hội INTOSAI lần thứ 16 tại Uruguay vào năm 1998. Qua Đại hội này, INTOSAI hy vọng, thông qua hành động tập thể, các SAI có thể đóng vai trò thúc đẩy văn hóa chống lãng phí và đề cao các giá trị như trung thực, trách nhiệm và sử dụng hợp lý tài sản công.

Theo đó, vai trò đó của SAI thể hiện trên 4 nội dung, bao gồm đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng; thúc đẩy quản trị tài chính lành mạnh và kiểm soát nội bộ mạnh; đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo giúp ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng, gian lận, hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, qua khảo sát các quốc gia cho thấy, đối với nhiệm vụ chống tham nhũng, đa số các SAI chỉ thực hiện vai trò ngăn chặn và phòng ngừa. Một số ít SAI có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chống tham nhũng như kiểm toán điều tra, kết luận, xét xử, xử phạt… hành vi gian lận, tham nhũng.

Nguyên nhân là do thể chế và pháp luật mỗi quốc gia quy định về chức năng, thẩm quyền của SAI khác nhau; mặt khác, có thể do các SAI không có đủ nguồn lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để kết luận, truy tố một hành vi tham nhũng.

“Để có thêm kinh nghiệm quý báu về vai trò, vị trí và thực tế triển khai nhiệm vụ của các SAI trong PCTN làm cơ sở định hướng cho hoạt động của KTNN trong những năm tới, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về vai trò của các SAI trong công tác PCTN”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ về chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng; những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng; kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý; kiểm toán điều tra và các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán phát hiện gian lận và tham nhũng.

Đọc thêm