Trình bày tham luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước.
Về quản lý nợ công: thể chế quản lý nợ công đã hoàn thiện theo nguyên tắc thị trường, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường công khai, minh bạch; phát triển hệ thống các công cụ nợ như chiến lược nợ công 10 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm và hàng năm, đồng bộ với kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn; phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế[8] trong việc phân tích bền vững nợ; hướng đến quản lý nợ công chủ động, tiếp cận thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia...
Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường quản lý quy mô, chủ động cơ cấu lại nợ công. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm (gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015) xuống còn 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ cấu nợ chuyển biến tích cực, quy mô nợ công giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,6% GDP; tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên khoảng 63% năm 2020, kéo dài kỳ hạn phát hành, lãi suất vay giảm sâu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, kết quả tích cực từ quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, cho phép chúng ta chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn khoảng 128 nghìn tỷ đồng thu NSNN;
Đồng thời bảo đảm nguồn đáp ứng nhu cầu chi phòng chống đại dịch Covid-19, chi cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất; đảm bảo nguồn chi các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo dự toán.
Trong đó có chi đầu tư phát triển (gồm dự toán năm 2020 và số chuyển nguồn của các năm trước sang khoảng 630 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ nền kinh tế; trong khi vẫn thực hiện được mục tiêu giảm bội chi, bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6% GDP (mục tiêu là dưới 3,9% GDP) và kiểm soát nợ công thấp hơn nhiều so với trần quy định, cuối năm 2020 ở mức 55,8% GDP.
Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành tài chính xác định nhiệm vụ trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII;
Hoàn thiện việc sắp xếp khối DNNN, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý;
Cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.