Nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong những lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch cũng đã đề ra 6 giải pháp cụ thể, như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm;…

Cùng với đó, Hà Nội cũng có các kế hoạch tổ chức Hội trợ công nghiệp hỗ trợ năm 2022 cho các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…). Tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (tổ chức theo hình thức offline và online); hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; Xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ thành phố…

Về giải pháp hỗ trợ cụ thể, thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội chợ chuyên đề hằng năm kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… Thành phố cũng hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ quan tâm hỗ trợ thực chất nhất, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 43 cụm công nghiệp, nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nên mới khởi công 4 cụm, với diện tích khoảng 70-80ha. Dự kiến trong năm 2022, Hà Nội sẽ khởi công hết 43 cụm công nghiệp và trong 1-2 năm tới sẽ có hàng nghìn héc ta mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Nếu thực hiện tốt việc phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 3.000ha đất công nghiệp, chưa kể diện tích đất khu công nghiệp khoảng 2.000-3.000ha nữa.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có doanh nghiệp không thành công. Điều đó đặt ra vấn đề là phải hình thành tập đoàn, doanh nghiệp nội địa đầu đàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Theo đó, doanh nghiệp nào đã tham gia vào chuỗi sản xuất đa quốc gia, đều nhận được rất nhiều ưu ái, hỗ trợ, được tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ, giám sát quá trình sản xuất. Công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sản xuất cho các hãng lớn, như: Toyota, Honda… có thể nói đạt tầm quốc tế. Còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho doanh nghiệp trong nước, yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn có thấp hơn. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho những ngành kinh tế chính, sản xuất sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy muốn tồn tại bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều khó khăn với doanh nghiệp trong nước nhưng cũng đã thúc đẩy việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á. Vì vậy theo giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng đón cơ hội, quảng bá sản phẩm, kết nối kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đọc thêm