Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu - tránh việc “công của tôi, lỗi của tập thể”

(PLVN) - Thừa nhận nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên các ý kiến đề nghị cần quy định một cách rõ ràng về nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước (HCNN). Có như vậy mới làm sáng tỏ được trách nhiệm của người đứng đầu, tránh trường hợp, khi có thành tích thì cá nhân nhận, nhưng sai phạm lại đổ lỗi do tập thể.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Hôm nay (3/5), tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan HCNN” với sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo một số cơ quan HCNN từ Trung ương đến cơ sở.

Phải cụ thể các chế tài xử lý người đứng đầu

Đặt vấn đề “trách nhiệm người đứng đầu đã và đang được đặt ra nhiều năm nay nhưng tại sao vẫn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua?”, TS.Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, điều này cần xét trong các mối quan hệ: nguyên tắc tập trung dân chủ - đề cao trách nhiệm cá nhân; kiểm soát hoạt động của người đứng đầu và xác định phạm vi trách nhiệm người đứng đầu.

“Khi đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, không nên chỉ nhìn ở góc độ người đứng đầu làm sai thì phải chịu trách nhiệm gì, xử lý ra sao mà quan trọng hơn, là ở góc độ kiểm soát để người đứng đầu không có hành vi sai trái, vi phạm. Dưới góc độ này thì việc đề cao kiểm soát quyền lực của người đứng đầu là rất quan trọng. Việc kiểm soát được thực hiện theo nguyên tắc 3600, và tùy từng cấp, từng đơn vị mà nguyên tắc này được thực hiện có sự thay đổi cho phù hợp”- ông Nguyễn Hải Long nhìn nhận.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức- nhất là người đứng đầu- kể cả khi đã nghỉ hưu cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, phải có cơ chế xin từ chức đi đôi với cơ chế bổ nhiệm lại cán bộ đã xin từ chức vào các chức vụ khác trong cơ quan hành chính nhà nước.

Cùng quan điểm, PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải quy định hình thức trách nhiệm chính trị, đạo đức và văn hoá cao nhất của người đứng đầu cơ quan HCNN là hình thức từ chức. “Người đứng đầu cơ quan HCNN không làm tròn bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước nhà nước, trước nhân dân thì phải từ chức. Từ chức là trách nhiệm chính tri, đạo đức và văn hóa cao nhất của người đứng đầu cơ quan HCNN. Do đó, cần phải có các quy định cụ thể về văn hóa từ chức của người đứng đầu cơ quan HCNN”- ông Văn Tất Thu kiến nghị.

Đồng tình với việc sớm có quy định về từ chức và sửa đổi quy định về kỷ luật đối với cán bộ, công chức, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng phản ánh, hiện nay có nhiều ngành, địa phương để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong quản lý, điều hành, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội hoặc trong cả nhiệm kỳ giữ chức vụ, người đứng đầu không làm được gì để ngành, địa phương mình phát triển (thậm chí còn yếu kém hơn khi chưa giữ chức vụ) nhưng rất ít người ý thức được rằng mình có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí đó hay không? Nên từ chức hay vẫn tham quyền, cố vị?

Mặc khác, quy định về kỷ luật cán bộ, công chức hiện nay có khá nhiều mức, đặc biệt là quy định về kỷ luật công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc) dẫn đến việc xử lý chưa được nghiêm minh và không đủ sức răn đe. Nhiều người bị kỷ luật ở mức khiển trách, cảnh cáo nhưng vẫn được giữ chức vụ và vẫn điều hành, giải quyết công việc bình thường như khi chưa bị kỷ luật; điều này ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân và toàn xã hội. 

“Nếu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà bị kỷ luật thì đương nhiên chức vụ đó phải được trao cho người khác có đủ năng lực, phẩm chất để quản lý, điều hành. Chính vì vậy, cần sửa quy định này theo hướng: Nếu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì khi bị kỷ luật là chỉ có giáng chức hoặc cách chức. Có như vậy thì mới đủ sức răn đe đối với những người khi được trao quyền lực mà vẫn cố tình làm trái quy định của pháp luật; đặc biệt là phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay và định hướng cải cách chế độ tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII”- ông Trọng kiên quyết.

Ngoài việc đề xuất nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các đại biểu cũng đề nghị phải quy định cụ thể các chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tại đơn vị mình đứng đầu. “Nói là các văn bản, các quy định của chúng ta đầy đủ...Về mặt lý luận thì rất đúng, nhưng trên thực tế rất khó khăn với việc xác định trách nhiệm người đứng đầu”- Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình phản ánh.

Dẫn chứng những sai phạm nghiêm trọng trong việc sửa điểm thi tốt nghiệp PTTH tại một số địa phương thời gian qua, ông Trọng băn khoăn: đã có một số phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên quan trực tiếp đến sai phạm bị xử lý, nhưng với các Giám đốc sở GD&ĐT của các tỉnh đó thì chưa biết xử lý như thế nào. Do đó quy định phải rõ ràng, cụ thể để khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng dễ xử lý trách nhiệm.

Phân cấp mạnh về thẩm quyền cho người đứng đầu

Phân tích mối quan hệ giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan HCNN, ông Cao Văn Thống, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương thừa nhận, trong thực tiễn nhiều khi để phân biệt rạch ròi trách nhiệm của tập thể cơ quan HCNN với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đó không đơn giản, nhất là ở những nơi bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND, người đứng đầu cơ quan HCNN cũng là người đứng đầu tổ chức đảng, dẫn đến hiện tượng thành tích thì cá nhân nhận, nhưng khuyết điểm lại là trách nhiệm của tập thể.

 “Việc gánh chịu một phần hậu quả do mình gây ra đối với tập thể thì rất dễ, nhưng đối với cá nhân người đứng đầu thì nhiều trường hợp không dễ chút nào, mà phải có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục thì họ mới chấp nhận, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình đổ lỗi tại tập thể”- ông Thống nói.

Chia sẻ với quan điểm này, ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nam dẫn chứng: trong thực tiễn hoạt động công vụ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có tác dụng đề cao vai trò, trí tuệ tập thể, nhưng bên cạnh đó càng tập trung bao nhiêu và càng làm việc tập thể với nguyên tắc đa số để ban hành quyết định bao nhiêu, thì càng dễ phân tán, càng tạo điều kiện nhiều hơn cho sự ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo kiểu “ lắm thày, nhiều ma”, “công thì của tôi, tội thì của chúng ta”… Bởi vậy, theo ông Hà, dù có thể hiện vai trò tập thể nhưng phải có sự đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong bất kỳ tình huống, điều kiện, hoàn cảnh nào.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại hội thảo.
  

Đề xuất một số giải pháp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ông Nguyễn Viết Trọng kiến nghị cần phân cấp mạnh về thẩm quyền cho người đứng đầu. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là hoàn toàn đúng đắn; tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tiễn, có thể do người đứng đầu không muốn lĩnh trách nhiệm nên dựa vào tập thể để quyết định; dẫn đến tình trạng khi có vấn đề xảy ra thì đổ cho tập thể mà không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

 “Chính vì vậy, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu, trong đó có cấp phó của người đứng đầu được phân công giúp người đứng đầu phụ trách một số lĩnh vực và cũng phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu”- ông Trọng nói, đồng thời đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. 

Muốn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không có “vùng cấm” như hiện nay. Có như vậy thì người đứng đầu mới nhận thức được vị trí của mình ở đâu, mình phải làm gì và làm như thế nào; quyền lực mà nhà nước trao cho mình là để thực hiện sứ mệnh phụng sự cho tổ quốc, cho nhân dân chứ không phải để mình thỏa mãn tham vọng cá nhân. 

Đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường thừa nhận, trách nhiệm người đứng đầu nói chung thời gian qua chưa được thực hiện tốt, nhất là khi có sai phạm xảy ra. Có thực trạng người đứng đầu không sử dụng hết quyền của mình vì sợ trách nhiệm, nhưng có người lại sử dụng quá quyền năng của mình, nên thành lạm quyền. Vì vậy thời gian tới, các ý kiến sẽ được Bộ Nội vụ tiếp thu để khi Nhà nước ban hành quy định pháp luật liên quan, trách nhiệm này sẽ được cụ thể hơn.

  “…Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục xác định và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN; cần luật hóa cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan HCNN để khắc phục những bất cập mà Đảng và Nhà nước đã chỉ ra; đồng thời là thể hiện tinh thần, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Trong số gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, có nhiều đồng chí giữ cương vị người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp. Do đó, việc thể hiện tinh thần, trách nhiệm nêu gương của họ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của công tác xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. TS. Trần Nghị- Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Đọc thêm