Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Hôm qua (25/9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, bổ sung năm 2012 và các Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị cũng nghe quán triệt nội dung Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Hôm qua (25/9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, bổ sung năm 2012 và các Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị cũng nghe quán triệt nội dung Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Nếu nghi tham nhũng, sẽ chuyển sang vị trí công tác khác

Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật PCTN sửa đổi năm 2012 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2013. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc tiếp tục mở rộng và tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là về các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao đã được nhận diện trong thời gian qua; hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu từ các đối tượng bị tác động trực tiếp; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng để xác minh, làm rõ; sửa đổi các quy định có liên quan đến Ban chỉ đạo về PCTN theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật PCTN sửa đổi, đến nay, 3 Nghị định liên quan tới những thay đổi quan trọng của Luật PCTN đã được ban hành. Cụ thể là: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập và mới đây nhất là Nghị định số 90/2013/NĐ-CP về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi và các Nghị định hướng dẫn nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận chính là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết thêm: Để hạn chế việc sử dụng biện pháp này vào mục đích trái pháp luật, Luật sửa đổi cũng quy định về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, cũng như thông báo công khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và khôi phục quyền, lợi ích pháp cho cán bộ, công chức, viên chức khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Dứt điểm trên 90% vụ KNTC tồn đọng mỗi năm

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và triển khai thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, công tác rà soát, giải quyết các vụ KNTC tồn đọng, phức tạp có nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành. Đã có 466/528 vụ KNTC tồn đọng được xem xét, giải quyết (đạt tỷ lệ 88,26%). Song tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại đông người vẫn còn nhiều.

Ngoài 528 vụ đã được rà soát, vẫn còn không ít vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, TTCP ban hành Kế hoạch 2100 để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Theo Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, công tác PCTN và công tác giải quyết KNTC luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Làm tốt công tác PCTN, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, của nhân dân trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng KNTC, nhất là các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài” - ông Tranh nhấn mạnh.

Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh thì khẳng định, đối với các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng ngoài 529 vụ việc trong danh sách của Kế hoạch 1130, TTCP sẽ cử cán bộ của Cục, Vụ phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất phức tạp. Ông Hạnh quán triệt: “Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành; phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài”.

Hoàng Thư

Đọc thêm