Cụ thể, Vụ sẽ tập trung giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác pháp luật quốc tế bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ của Vụ theo Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ; trình Lãnh đạo Bộ kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Triển khai toàn diện, đồng bộ và đề xuất giải pháp bảo đảm thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối. Tiếp tục đề xuất, thực hiện việc hoàn thiện khung pháp luật Tương trợ tư pháp về dân sự và cấp ý kiến pháp lý.
Tham mưu hiệu quả, nâng cao vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến hội nhập quốc tế; xây dựng Chỉ thị của Bộ Chính trị/Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Chuẩn bị tốt việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) lần thứ 4; thực thi hiệu quả ICCPR và khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, điều hành và xây dựng môi trường làm việc văn minh, dân chủ, đoàn kết, gắn bó, chia sẻ trong Vụ; bảo đảm thực chất, hiệu quả trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục kiện toàn tổ chức, thu hút nhân lực có chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng công chức của Vụ theo hướng xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế nòng cốt để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Vụ; hướng tới xây dựng “Trung tâm tư pháp quốc tế của Quốc gia” tại Bộ Tư pháp theo Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ.