Nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo

(PLVN) - Ngày 25/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển đảo và Hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc năm 2023.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) Hồ Hồng Hải cho biết, ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 191/QĐ-TTg nhằm nâng cao công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng biên giới, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Để thực hiện Quyết định 191 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 195 ngày 16/2/2023, tập trung vào nhiệm vụ, công tác tập huấn tuyên truyền cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên… về vấn đề bảo vệ Tổ quốc, biên giới cũng như góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháng 8/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông giai đoạn 2022 – 2025 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biển, đảo, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các đối tượng là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách.

Nhiều năm qua, thông qua các tin, bài và phóng sự, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ lan tỏa các thông điệp bảo vệ biên giới, biển, đảo đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới, biển, đảo góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao ý thức trong đấu tranh, bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng, tạo ra sự đồng thuận và cổ vũ của bạn bè, dư luận quốc tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị đã cung cấp các thông tin về chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến phân giới cắm mốc, phát triển biên giới và công tác giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, về giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ nhằm nâng cao ý thức quốc gia và trách nhiệm bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Trình bày về tình hình biên giới và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới hiện nay, Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Phạm Ngọc Khoái nhấn mạnh, chúng ta cần chú trọng công tác xây dựng các đề án đảm bảo về quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại nhằm giành thế chủ động, giữ ổn định mọi mặt của đất nước.

Theo đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong Bộ đội biên phòng và Luật Biên phòng Việt Nam; tăng cường sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và các đảo; chuẩn bị giải pháp để đối phó với sức ép từ các “nhóm lợi ích” thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi đường lối đối ngoại; mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng…

Trước những vấn đề nổi bật liên quan đến tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia; biên giới, hải đảo, ông Phạm Ngọc Khoái đề nghị các cán bộ làm công tác truyền thông sẽ luôn gắn kết, đồng hành cùng bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề bảo vệ biên giới Tổ quốc đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng sâu vùng xa, biên giới đất liền và hải đảo.

Còn TS Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, Việt Nam đã vận dụng các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong Biển Đông.

Trong công tác truyền thông, giáo dục về biển, đảo, ông Trục lưu ý, cần xác định và phân biệt phạm vi quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các thực thể địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông cũng như cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu lịch sử, bản đồ có liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi không phải bất cứ tư liệu lịch sử và bản đồ nào cũng đều có giá trị pháp lý để chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, chỉ có những tư liệu lịch sử và bản đồ có giá trị pháp lý (nghĩa là các tư liệu do hệ thống tổ chức Nhà nước có thẩm quyền ban hành) mới được coi là những chứng cứ pháp lý…

Đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, các cán bộ làm công tác truyền thông cũng đã lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về “Vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển và hải đảo, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông”; “Kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác thông tin đối ngoại”.

Đọc thêm