Nhìn nhận về vấn đề từ góc nhìn lý luận và thực tiễn, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thúy Hoa - Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I và TS. Ngô Ngọc Diễm, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Thượng tôn pháp luật không chỉ là nguyên tắc mà còn là văn hóa ứng xử
Quan niệm về thượng tôn Hiến pháp và pháp luật tại Việt Nam hình thành từ bao giờ và tại sao chúng ta cần xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, thưa TS. Nguyễn Thúy Hoa?
- TS. Nguyễn Thúy Hoa: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật nghĩa là pháp luật là tối thượng, không ai có quyền đứng trên pháp luật. Hiểu đúng về nguyên tắc này, theo tôi sẽ có 3 cấp độ.
Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật tức là bản thân tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, con người kiềm chế hành vi của mình. Ở cấp độ cao hơn, khi pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của đời sống xã hội, con người sẽ soi chiếu hành vi và điều chỉnh hành vi của mình. Như vậy, ở cấp độ này con người chủ động thực hiện pháp luật. Ở cấp độ cao cao nhất, khi pháp luật trở thành là công bằng, công lý và lẽ phải, việc người dân và mỗi cơ quan, cán bộ nhà nước thực hiện pháp luật bằng niềm tin về sự công bằng, lẽ phải ấy sẽ trở thành chuẩn mực trong ứng xử. Khi ấy, thượng tôn pháp luật không chỉ còn là nguyên tắc mà trở thành một nét ứng xử đẹp của văn hóa, đánh dấu sự phát triển của những giá trị dân chủ của đất nước.
TS. Nguyễn Thúy Hoa - Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I. |
Trong Nghị quyết 27 có nêu vấn đề: Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vấn đề này đang được triển khai trong thực tiễn như thế nào, đặc biệt là trong hệ thống chính trị, thưa bà?
- TS. Nguyễn Thúy Hoa: Muốn xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đạt hiệu quả thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Ở nhóm chủ thể thứ nhất, chính là sự vào cuộc đồng bộ trên các phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, ở góc độ Nhà nước, thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật, đây là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong đời sống.
Tiếp đó, sự vào cuộc của hệ thống các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện, đấu tranh, kiểm tra và xử lý các vi phạm, góp phần tạo nên sức sống và những giá trị hiện thực của tinh thần thượng tôn pháp luật.
Các chủ thể còn lại trong hệ thống chính trị như: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đặc biệt là quần chúng Nhân dân, không thể không nói đến vai trò của báo chí.
Giáo dục đạo đức, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc
Liên quan đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có năng lực trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề này được hiểu như thế nào, thưa TS. Ngô Ngọc Diễm?
- TS. Ngô Ngọc Diễm: Tôi cho rằng, đây là một chủ trương rất đúng, rất tốt. Chúng ta phải nhận thức được một thể chế chính trị là Nhà nước của Nhân dân, vì Nhân dân. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ liêm chính phải nhận thức được rằng, họ là công bộc của Nhân dân. Đây là một thuật ngữ không mới, nhưng chúng ta phải nhận thức đúng, đó là những người cán bộ phải tận tụy với Nhân dân, phải vì công việc, vì Nhân dân.
Chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, ngang tầm nhiện vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới, thưa TS. Nguyễn Thúy Hoa?
- TS. Nguyễn Thúy Hoa: Chúng ta học hỏi nhiều kinh nghiệm tiến bộ của các nước trên thế giới và kinh nghiệm này có thể vận dụng vào Việt Nam, đó là làm thế nào để cán bộ “không dám” những thứ sau đây.
Thứ nhất là “không dám” tham nhũng, việc này đòi hỏi phải có một thể chế để kiểm soát được đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đồng thời quy định rõ ràng chức trách, nhiệm vụ.
Thứ hai là “không cần”, tức là Nhà nước phải có cơ chế để bảo đảm chế độ đãi ngộ để cho cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương của họ.
Thứ ba là “không thể”, pháp luật phải tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ về trình tự, quy trình, thủ tục và các chủ thể giám sát, bao gồm giám sát bên trong và giám sát bên ngoài đối với đội ngũ cán bộ.
Cuối cùng là câu chuyện về mặt giáo dục đạo đức, là sự tự trọng, ý thức tự tôn dân tộc.
Hiện nay, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đang được các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào?
- TS. Ngô Ngọc Diễm: Ở cấp Trung ương, vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với công tác xây dựng dự án Luật hoặc đối với chương trình hành động của Chính phủ đều được Quốc hội quan tâm. Trong những năm gần đây, vai trò của ĐBQH với chức năng giám sát được đẩy mạnh. Xây dựng Nhà nước pháp quyền, lấy pháp luật thượng tôn thì công tác giám sát được đề cao hơn nữa và xây dựng từ hệ thống chính trị đó là người dân làm chủ, người dân có quyền giám sát.
Bảo vệ quyền con người trên tinh thần thượng tôn pháp luật
TS. Ngô Ngọc Diễm - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. |
Thưa TS. Ngô Ngọc Diễm, việc giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành văn hóa, tác phong, ý thức tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người từ cấp cơ sở, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
- TS. Ngô Ngọc Diễm: Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây đang đẩy mạnh công tác giáo dục về quyền con người ở cơ sở. Tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có một Viện về quyền con người, đã thúc đẩy công tác đào tạo cho đội ngũ giáo viên, cán bộ cấp cơ sở về quyền con người. Chính đội ngũ này sẽ lan tỏa quyền con người tới người dân một cách trực tiếp nhất, đây là một mô hình cần phải nhân rộng.
Giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, cũng chính là giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và nhân văn, tôn trọng phẩm giá và các quyền con người.
Nhà nước đang yêu cầu người dân cung cấp thông tin làm định danh và chúng ta cũng đã có Luật Căn cước. Tuy nhiên, một số cá nhân cho rằng việc này rất có thể dễ xâm hại đến quyền con người, đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dân. Vậy trên thực tế việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dân được diễn ra như thế nào, thưa các diễn giả?
- TS. Ngô Ngọc Diễm: Đây là một chủ trương rất tốt. Nếu có ý kiến lo ngại việc đời tư bị xâm hại thì mọi người hãy yên tâm, không có chuyện đó. Luật Căn cước đã ra đời và hoạt động của Chính phủ đã được kiểm soát bằng Luật Căn cước.
- TS. Nguyễn Thúy Hoa: Gần đây nhất, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/7/2023 lần đầu tiên quy định về hiểu thế nào là dữ liệu cá nhân, trong đó phân vùng ra loại dữ liệu thông thường, dễ dàng khai thác sử dụng và loại dữ liệu nhạy cảm với cơ chế bảo mật.
Nghị định 13 còn quy định những hệ thống chế tài, trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức phải có trách nhiệm bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu người dân. Những quy định này nhằm hướng tới bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Trân trọng cảm ơn các ông, bà!