Việt Nam là quốc gia trong khu vực có nhiều thuận lợi về phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, công suất của năng lượng tái tạo đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời và gió mới chỉ đạt khoảng 1.200 MW, chiếm 3,4% so với tiềm năng.
Nhiều nguy cơ từ năng lượng hóa thạch
Ngày 24/8, tại Cần Thơ, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) tổ chức chương trình “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 diễn ra trong 2 ngày (24 và 25/8), nhằm chia sẻ, cập nhật những phát triển mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam và trên thế giới; tạo diễn đàn trao đổi giữa các bên liên quan về những lợi ích, giải pháp, cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam…
Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 có nhiều nội dung như: Triển vọng phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam; Tọa đàm về lựa chọn nào cho phát triển năng lượng bền vững ĐBSCL; Hội thảo về phát triển năng lượng ở Việt Nam… Đặc biệt là bàn các giải pháp năng lượng bền vững địa phương hướng tới hoàn thành mục tiêu Điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.
Trước đó, sự kiện này đã được khai mạc tại Hà Nội vào ngày 21/8 với mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và bền vững.
Việt Nam là quốc gia có cường độ năng lượng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện.
Từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng khoảng 14 % mỗi năm; sản lượng phát điện năm 2011 (100.189 GWh), gấp 4 lần năm 2000 (25.694 GWh). Theo chính sách và qui hoạch hiện hành, tỷ trọng than sử dụng cho phát điện sẽ tăng từ 17% năm 2010 lên gần 60% vào năm 2030, và 80% than sẽ được nhập khẩu.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ cho biết, từ khi nhân loại chuyển sang thời kỳ phát triển công nghiệp hóa (1850 – đến nay), bầu khí quyển quanh trái đất đã gia tăng nhanh chóng hàm lượng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 , CH4 , N2O, CFCs,… dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có 14 nhiệt điện than hoạt động ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở đó, ô nhiễm khói bụi là mối lo ngại rõ ràng nhất của các nhà máy này; đó là chưa kể tro xỉ than là nguồn ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng cho đất, nước và không khí, kéo theo những hệ lụy về sinh thái và sức khỏe cộng đồng…
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiệt điện than có thể đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nhưng nó khiến Việt Nam gặp phải các rủi ro nghiêm trọng về thị trường, an ninh năng lượng và môi trường. Ngoài ra việc sử dụng than nhập khẩu là chủ yếu nhưng giá của nó đang tăng cao và có biến động lớn...
Vì vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng Việt Nam) cho biết, phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ là giải pháp quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn mang lại các cơ hội và lợi ích kinh tế mới, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần bảo đảm an ninh quốc gia.
Năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường
Trước viễn cảnh phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo được xem là lựa chọn hàng đầu và có ít rủi ro hơn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu và góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng. Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone cho biết, Canada tự hào là một quốc gia đi đầu, với 90% năng lượng tái tạo được sử dụng để đáp ứng các nguồn năng lượng cơ bản, chúng tôi đang hướng đến loại bỏ dần năng lượng than đến năm 2030. Riêng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về các loại điện để sản xuất năng lượng. Đặc biệt, mối quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó, Canada đã hỗ trợ cho Việt Nam nhiều dự án về khí hậu, môi trường. Theo bà Ping Kitnikone việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. “Chúng tôi nhận thức rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là không có ranh giới, do vậy, việc ứng phó cần có sự phối hợp chung tay giữa các quốc gia” - Đại sứ Canada tại Việt Nam nói.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, hướng tới một nền tăng trưởng xanh. Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững với giá năng lượng hợp lý. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh
Trong đó, phát triển nguồn thủy điện truyền thống góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện. Đồng thời, ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khí sinh học, sinh khối viên sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu và nhiên liệu sinh học lỏng. Nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng lên 50% năm 2020, khoảng 60% năm 2030 và khoảng 70% vào năm 2050. Nâng tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi cho mục đích năng lượng (khí sinh học) khoảng 10% năm 2020, khoảng 50% vào năm 2030, đến năm 2050 hầu hết chất thải chăn nuôi được xử lý. Nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050. Phát triển điện mặt trời cung cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện. Cũng như phát triển nguồn điện gió trên đất liền, ngoài khơi và cả trên thềm lục địa.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, phó Trưởng BCĐ TNB đánh giá, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015 được xem là nền tảng định hướng phát triển cho các loại hình đầu tư năng lượng tái tạo phát triển, khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo mới, hiện đại, góp phần tăng cường nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo các chuyên gia của Công ty TNHH MTV Vũ Phong (hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời), trong các loại hình khai thác năng lượng tái tạo, có thể tập trung ngay vào các mục tiêu:
1. Sử dụng năng lượng tái tạo làm nguồn nhiệt năng:
a. Đẩy nhanh việc tuyên truyền & khuyến khích sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong các cơ sở SXKD & DV, trong cộng đồng dân cư thành thị.
b. Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân làm khí sinh học (BIOGAS) trên phạm vi toàn quốc, vừa tạo nguồn chất đốt từ phụ phẩm nông sản, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
2. Sử dụng năng lượng tái tạo làm nguồn cơ năng:
a. Nghiên cứu phát triển các loại bơm nước bằng sức gió để sử dụng rộng rãi cho mục đích bơm nước sinh hoạt cho hộ gia đình ở nông thôn & thành thị.
b. Tiếp tục phát triển các loại bơm thủy lực (bơm nước) để sử dụng cho các địa phương miền núi dùng cho cấp nước sinh hoạt & sản xuất.
c. Nghiên cứu sử dụng sức gió để làm các quạt thông gió cho các tòa nhà, nghiên cứu thông gió tự nhiên lợi dụng sức gió.
3. Sử dụng năng lượng tái tạo làm nguồn quang năng:
a. Quy định tiêu chuẩn thiết kế về thông gió & chiếu sáng tự nhiên của công trình xây dựng, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện.
b. Nghiên cứu đưa ra các thiết kế nhà ở khu dân cư mẫu sử dụng tốt thông gió & chiếu sáng tự nhiên để trình diễn & quảng bá cho nhân dân.
4. Phát huy tối đa các thủy điện nhỏ & siêu nhỏ theo hướng:
a. Thiết kế tận dụng nguồn thủy năng, giảm thiểu tác động môi trường (thủy điện dòng chảy).
b. Tăng cường năng lực thiết kế chế chế tạo & sử dụng các máy móc thiết bị trong nước, tiến tới hoàn toàn sử dụng thiết bị thủy điện nhỏ chế tạo trong nước.
c. Có cơ chế khuyến khích (về giá & ưu đãi đầu tư) để các dự án thủy điện nhỏ có tỉ suất sinh lợi hợp lý, thu hút được nguồn vốn của xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.