Nâng tuổi hưu của nữ lên 60, nam lên 62?

(PLO) - Hôm qua (23/4), tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trình bày sơ bộ Đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang thiết kế hai phương án về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi hưu của nữ được nâng lên 60 và nam lên 62 hoặc nam là 65 với lộ trình điều chỉnh khác nhau.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, có khoảng 230.000 doanh nghiệp (DN) đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan thuế lại đưa ra con số cả nước có tới 600.000 DN đang hoạt động. “Từ 2 con số trên cho thấy vẫn còn trên 300.000 DN chưa tham gia BHXH bắt buộc và Bộ LĐTB-XH tính toán có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc”, ông Dung cho biết.

Vẫn theo Bộ trưởng Dung, số người tham gia BHXH mới hiện nay tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần, tức là số vào tương đương với số ra. “Không có nước nào mà chính sách BHXH lại thoáng như vậy, đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng phần Nhà nước hỗ trợ trong đó nữa. Người lao động đóng BHXH rồi xin rút một lần, một thời gian sau có việc mới lại đóng và sau đó lại xin rút một lần”, ông  Dung nêu thực tế.

Từ đó, Bộ LĐTB-XH, cơ quan tham mưu của Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án chính sách BHXH trình Trung ương xem xét, quyết định. Theo đó, đề án này phải phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng, nếu người đóng BHXH rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng. Người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm và chỉ được nhận BHXH tương ứng với số tiền họ đóng.

Cụ thể hơn, Bộ LĐTB-XH thiết kế theo 3 tầng: Tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành; Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao. Do vậy, nếu được Trung ương  đồng ý sửa đổi thì phải tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hiện có 66% số lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức thường có điều kiện khá khó khăn, vì vậy nếu không điều chỉnh chính sách BHXH thì rất khó đạt mục tiêu trên 50% người lao động tham gia BHXH. 

Sẽ tính toán cấp bù để lao động nữ đỡ thiệt thòi 

Về đề án tuổi nghỉ hưu trìnhTrung ương, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH thông tin, đề án này đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để lộ trình thực hiện không gây sốc đối với người lao động. Cụ thể, đề án trình hai phương án nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Phương án một: nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai: nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Đối với việc điều chỉnh lương hưu nữ từ 1/1/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong hội nghị bình đẳng giới, Bộ đã báo cáo tiếp thu và sau đó báo cáo Quốc hội, Chính phủ. “Tháng 3 vừa rồi, Tổng Thư ký Quốc hội đã có ý kiến chính thức. Vì vậy, tinh thần của chúng tôi là không đề nghị sửa luật, nếu sửa luật thì phải sau khi thông qua đề án cải cách tiền lương”, ông Đào Ngọc Dung nói và cho biết việc điều chỉnh lương hưu có tác động đến 3.000 lao động nữ, con số tác động không lớn so với tổng 21.000 lao động nữ. Vì vậy, phương án hiện nay Bộ đưa ra là sẽ tính toán cấp bù để làm sao chị em đỡ thiệt thòi. “Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 này và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án cấp bù để giải quyết việc này”, ông Đào Ngọc Dung khẳng định.

Đọc thêm