NATO sắp đáp trả tên lửa “vượt mọi hệ thống phòng không” của Nga?

(PLVN) - Trong năm 2020 này, NATO dự kiến sẽ đáp trả việc Nga triển khai các hệ thống Iskander-M, trong đó có các hệ thống được trang bị tên lửa 9M729 - loại tên lửa từng gây tranh cãi và là lý do Mỹ đưa ra khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tên lửa của Nga.
Tên lửa của Nga.

Theo hãng tin Sputnik, thông tin trên được kênh truyền hình N-J của Đức dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố.

“Để đối phó với hệ thống SSC-8 của Nga, mà NATO gọi là 9M729, chúng tôi sẽ xử lý các hệ thống phòng không và tên lửa, vũ khí thông thường để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu và kéo dài thời gian cảnh báo”, ông Stoltenberg nói.

Theo Tổng thư ký NATO, các bộ trưởng quốc phòng của các nước trong khối đã thống nhất về các biện pháp trên và việc này sẽ được triển khai trong năm 2020.

Tổng thư ký NATO trong phát biểu vừa qua cho rằng việc phát triển tên lửa 9M729 là một phần chiến lược của Nga nhằm đầu tư mạnh vào các khả năng hiện đại, bao gồm cả vũ khí hạt nhân hiện đại.

Trong khi đó, NATO dự định sẽ đáp trả tương ứng với các biện pháp phòng thủ. Song, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng NATO sẽ không triển khai các tên lửa đất đối đất mới với đầu đạn hạt nhân ở châu Âu và tìm cách tăng cường kiểm soát vũ khí.

Mỹ và NATO cho rằng tên lửa 9M729 đã vi phạm INF. Giới chức Mỹ cho rằng tên lửa 9M729 có tầm bắn hơn 500 km, tức vi phạm INF. Đó cũng là lý do khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế quan trọng này.

Song, Nga liên tục bác bỏ những nghi ngờ của Mỹ và cho rằng các cáo buộc của Mỹ liên quan đến tên lửa 9M729 là một lý do để Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Tên lửa đạn đạo Iskander-M được đánh giá là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất của Nga.

Tên lửa này có thể đánh trúng không chỉ các mục tiêu mặt đất mà còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu trên không, bao gồm từ các hệ thống phóng rocket đa nòng, trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc tới pháo tầm xa, máy bay, trực thăng. Tổ hợp tên lửa này được cho là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không. 

Hệ thống Iskander-M cũng có thể mang theo cả vũ khí hạt nhân. Ngoài việc phóng phát một, hệ thống tên lửa này có thể bắn hai tên lửa một lúc.

Theo ông Viktor Bondarev – người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Iskander-M là hệ thống vô song trên thế giới, thừa sức ngăn chặn cuộc tấn công quy mô của bất kỳ đối thủ nào.

“Đặc tính cơ động, chính xác và hiệu suất của nó cho phép đương đầu thậm chí với cả mối đe dọa hạt nhân, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những sự kiện gần đây trên bán đảo Triều Tiên và phản ứng từ phía Mỹ. Tôi tin rằng sự phát triển tích cực của tổ hợp tên lửa chiến thuật - chiến dịch của chúng ta là thành tố kiềm chế ngăn chặn rất quan trọng”, ông Viktor Bondarev tuyên bố.

Đọc thêm