'Nâu' sang 'xanh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức hôm qua (19/3), diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu… Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…

Đã có thời điểm, ở một vài nơi có biểu hiện “tăng trưởng bằng mọi giá”, thiếu tầm nhìn, gây “xung đột” giữa lợi ích của các ngành kinh tế. Hệ quả là môi trường bị tác động tiêu cực, biến đổi theo chiều hướng xấu.

Hiện nay, tăng trưởng xanh trở thành chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng xanh, không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn là nghĩa vụ quốc tế, vì “trái đất chỉ một”. Ngoài cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam cũng đã tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA... Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển, không có lựa chọn nào khác.

Bài toán hiện nay là, phải khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt nhiều lĩnh vực như quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm...

Tất nhiên, đối với Việt Nam, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Các chủ thể khác nhau, nhất là cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia, không phải là việc riêng của Chính phủ.

Đọc thêm