Nên dạy trẻ mồ côi lòng từ bi, không oán hận

 Vu lan, hay Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Thế nên hàng năm vào ngày này, các chùa Việt Nam thường thiết lễ trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ, để được nghe các thầy giảng về đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành. Mùa Vu lan năm nay, sư thầy Thích Đàm Lan - Trụ trì chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đã dành cho PLVN buổi trò chuyện về chữ Hiếu.

Vu lan, hay Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Thế nên hàng năm vào ngày này, các chùa Việt Nam thường thiết lễ trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ, để được nghe các thầy giảng về đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành. Mùa Vu lan năm nay, sư thầy Thích Đàm Lan - Trụ trì chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đã dành cho PLVN buổi trò chuyện về chữ Hiếu.

Chữ Hiếu theo quan niệm nhà Phật

Từ góc độ tu hành, sư thầy nhìn nhận thế nào về chữ Hiếu?

- Không riêng gì Phật giáo mà trong đời sống hàng ngày, hiếu đạo luôn là nghĩa sống cao đẹp, thiêng liêng của mỗi con người. Con người ta khi đã được sinh ra, hiện hữu ở trên đời thì tất phải có tổ, có tông, có đấng sinh thành. Và, hiếu đạo cũng từ đó mà có. Người phàm cho rằng có thể đền đáp ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục bằng của cải vật chất, tiền bạc và lòng thương kính, nhưng theo Phật giáo thì quan niệm về sự đền đáp ấy là chưa đủ.

Sư thầy Thích Đàm Lan

Người con còn có bổn phận đem lại cho cha mẹ chánh kiến, chánh tín, giới thiệu con đường giải thoát giới định tuệ hầu giúp cha mẹ loại trừ các ác nghiệp, tăng trưởng các thiện nghiệp, đi dần về giải thoát sinh tử khổ đau. Sự đáp đền này gọi là sự đáp đền của người Phật tử, hay của người trí tuệ và chỉ bằng sự đáp đền này mới tương xứng với công ơn của cha mẹ.

Nhưng cũng nên biết rằng, chữ Hiếu trong Phật giáo không chỉ bó gọn là sự hiếu lễ với tổ tiên, đấng sinh thành. Mà nó còn là hiếu lễ với đất nước, nguồn cội. Một điểm khác biệt nữa là người Phật tử tin tưởng vào lý thuyểt nghiệp báo, luân hồi, để từ đó coi nhân loại và chúng sinh đã từng là thân quyến, anh em, cha mẹ của nhau, nên việc báo hiếu trở thành hành vi cư xử tốt đẹp với mọi người xung quanh mình. Nói khác đi, hiếu của người Phật tử là hiếu đối với mọi người khi hành vi cư xử trở nên bình đẳng đối với mọi chúng sinh. 

Với cha mẹ, tiền tài không thể sánh với tinh thần

Trong đời sống đương đại, có nhiều lúc, nhiều nơi, chữ Hiếu bị sao nhãng, bế tắc vì những lý do khách quan đưa lại. Theo sư thầy, có lối thoát để khơi thông bế tắc này không?

- Đúng là trong các gia đình hiện đại, không hẳn mọi thành viên đã hoàn toàn thờ ơ với chữ Hiếu, nhưng biểu hiện của nó cũng có không ít điều thay đổi.  Tôi đã đi ra nước ngoài và thấy ở đó, do điều kiện sống mà chữ Hiếu cũng phần nào phai nhạt. Ở Việt Nam mình tuy chưa đến mức vậy nhưng cũng có nhiều lúc, nhiều nơi, chữ Hiếu khó có cơ hội thể hiện. Ví dụ đơn giản như con cái đi làm về mệt, nhìn mâm cơm đạm bạc do bố mẹ ở nhà chuẩn bị thấy nặng nề, khó chịu, thế là buông lời trách móc mà không biết đó cũng là việc làm phạm vào hiếu hạnh...

Thế nên tôi nghĩ để dung hòa chữ Hiếu với đời sống hiện tại, để khơi thông bế tắc thì tự thân mỗi người phải biết điều chỉnh bản thân bằng nhiều cách. Như khi đi làm về đến nhà thì hãy bỏ hết bực phiền ở ngoài cửa để định tâm đối đãi với mẹ cha, hãy thường xuyên nhắc nhở mình rằng phút giây được sống với mẹ cha sẽ không kéo dài để biết trân trọng, yêu thương vì đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả, tinh thần mới là điều quan trọng. Tóm lại, hiếu nghĩa vẫn là nét đẹp của đạo lý làm người, nó không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống mà do ý thức quyết định.

Một lưu ý nhỏ nữa là hiện nay tôi theo dõi thấy có rất nhiều vụ án mà thủ phạm là những đứa con bất hiếu. Nhưng nguồn cơn đưa đẩy đến sự bất hiếu này thường xuất phát từ chính những người làm cha làm mẹ. Họ hành xử vì quyền lợi cá nhân hay vì những suy nghĩ ích kỷ nhất thời mà không hiểu rằng, chữ Hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình cảm của con người, mà trước hết, phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Nói như ca dao xưa “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Chắc con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”.

Đừng ai hiếu thuận muộn màng

Nhiều người nghĩ rằng cứ làm cỗ to giỗ cha giỗ mẹ, rồi đốt thật nhiều vàng mã, đồ vật mã gửi xuống cõi âm là chữ Hiếu đã được thỏa mãn, làm tròn. Là người thấu hiểu thuyết giáo nhà Phật, theo sư thầy điều này có đúng không?

- Tôi xin khẳng định luôn là quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bởi tục lệ đốt vàng mã có xuất phát điểm hoàn toàn khác với sự thể hiện hiếu lễ. Không ít người không biết hỏi han, chăm lo cho bố mẹ khi các bậc sinh thành còn sống mà chỉ biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn, đốt thật nhiều vàng mã như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ ra đi. Đó vẫn là sự hiếu thuận, nhưng là sự hiếu thuận muộn màng, không tác dụng. Ngày nay, mừng là càng có nhiều người ngộ ra được điều này. Thay vì đốt thật nhiều vàng mã, họ đã đi làm từ thiện, tìm đến các chùa phụ giúp việc nuôi trẻ, nuôi người già cô đơn như một cách để chuộc lại lỗi bất hiếu với cha mẹ. Lễ Vu lan cũng là một cơ hội để mọi người thể hiện điều đó.

Dạy trẻ mồ côi lòng từ bi, không oán hận

Chùa Bồ Đề là nơi nuôi dạy rất nhiều trẻ mồ côi (gần 20 năm qua, chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi nhà tình thương nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi không nơi nương tựa, hiện chùa đang nuôi dưỡng hơn 150 trẻ - PV). Những đứa trẻ chưa được một lần biết mặt mẹ cha hoặc chỉ là những ký ức xa mờ trong tâm trí. Với các em, sư thầy giảng như thế nào về chữ Hiếu?

- Theo tôi, hiếu hạnh là một trong những đức tính mà con người cần phải có để trở nên người tốt, chứ không riêng gì chỉ để báo hiếu với mẹ cha. Thế nên tôi vẫn dạy các con rằng, tuy các con lớn lên không có mặt mẹ cha, nhưng ngày ngày khi các con soi gương thấy mình trong đó là cũng như thấy được hình bóng của cha mẹ mình vì khuôn mặt, mái tóc, nụ cười của các con hôm nay chính là do cha mẹ tặng cho. Nên các con phải biết ơn mẹ cha, biết ơn trời đất về điều đó. Nhiều đứa trẻ ở đây tuy chưa một lần được nhìn thấy mặt cha mẹ nhưng trong sâu thẳm lòng chúng, chúng vẫn cố hình dung ra mặt cha mẹ mình như thế nào và khao khát được cha mẹ đến đón về. Như vậy, tự thân trong chúng đã nẩy sinh lòng yêu thương, từ bi, không oán hận. Và đó cũng là nền tảng không thể thiếu của nhân cách mỗi con người.

Xin cảm ơn sư thầy!

Hồng Minh - Thùy Dương (thực hiện)

Đọc thêm