Khẳng định tầm quan trọng của việc phòng chống thiên tai, cũng như việc cần thiết phải có quỹ phòng chống thiên tai, nhưng trong buổi thảo luận tại hội trường về Dự luật này, nhiều ĐBQH còn băn khoăn về việc có nên hình thành quỹ do nguồn thu bắt buộc từ người dân, hay chỉ chọn lọc những đối tượng cụ thể để đóng góp?.
Đủ 18 tuổi bắt buộc phải nộp quỹ?
Thể hiện sự thống nhất về việc hình thành quỹ, đại biểu Trần Văn Minh, Quảng Ninh, phát biểu”: “Tôi nhất trí là ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải có thêm quỹ phòng, chống thiên tai. Vì thiên tai thường gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Cần có sự chung tay góp sức của cả xã hội, thậm chí của cả cộng đồng quốc tế”.
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói: “Tôi ủng hộ việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai để tăng cường trách nhiệm xã hội của công dân và thực hiện nguyên tắc xã hội hóa”.
Nhưng đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị cân nhắc về độ tuổi đóng góp. Theo ông, rất nhiều những công dân 18 tuổi chưa có thu nhập, cho nên nếu bắt buộc từ độ tuổi này sẽ bất hợp lý.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, TP HCM phân tích thêm: Đối tượng phải đóng quỹ như quy định của dự thảo luật là công dân từ 18 tuổi đến hết tuổi lao động thì phạm vi huy động cho quỹ rất rộng. Ước tính tổng số người trong diện này lên đến khoảng 50 triệu người.
Vì vậy, khi triển khai luật Chính phủ cần nghiên cứu các mức thu phù hợp đối với từng đối tượng vùng miền và có chính sách miễn giảm, không để việc huy động nguồn quỹ này tăng thêm gánh nặng đối với các hộ gia đình trong tình hình chúng ta đã và đang triển khai thu nhiều loại quỹ khác nhau như hiện nay.
Đừng thêm gánh nặng cho người dân
Cũng với mong muốn không nên tạo thêm gánh nặng cho dân phần đa ý kiến của các ĐBQH cho rằng, quỹ phòng chống thiên tai hnên được huy động theo hình thức tự nguyện.
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) có ý kiến: “Trường hợp nhất thiết phải thành lập quỹ phòng, chống thiên tai, tôi đề nghị nghiên cứu chỉ quy định nguồn thu từ tự nguyện, từ cá nhân, tổ chức chứ không nên quy định việc đóng góp bắt buộc như trong dự thảo. Quy định bắt buộc đóng góp của quỹ sẽ trở thành nguy cơ và tạo tiền lệ cho các loại quỹ bắt buộc khác sẽ được đưa vào văn bản luật sau này”, ông nói.
“Hiện nay người dân cũng đang đóng nhiều loại quỹ phục vụ an sinh xã hội, nếu bắt buộc đóng thêm quỹ nữa thì gây khó khăn đối với người dân”, là phân tích của đại Huỳnh Minh Hoàng, Bạc Liêu.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, Tiền Giang, phân tích thêm việc vận động đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai trong thời gian vừa qua cũng không có gì là quá khó khăn, nhất là trước những hiện tượng thiên tai lớn xảy ra. Do đó, theo ý của ông, nên thay yêu cầu bắt buộc bằng việc kêu gọi sự tự nguyện của người dân đối với việc xây dựng quỹ.
“Chúng ta ra luật có nhiều loại quỹ quá, trước đây phòng, chống tác hại thuốc lá cũng quỹ, nay mai nếu ra chống tác hại rượu, bia chắc cũng phải quỹ, khắc phục hậu quả thiên tai cũng quỹ, mà quỹ bắt buộc. Bắt buộc thì công dân từ 18 tuổi trở lên phải đóng quỹ. Bây giờ nhiều người phải đi vay tiền để học, còn vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, gánh nặng của gia đình như thế nào mà bắt buộc công dân 18 tuổi trở lên phải đóng quỹ?... Tôi đề nghị nên tính toán lại việc quỹ phòng, chống thiên tai”, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ, Ninh Thuận, bày tỏ quan điểm.
Nhật Thanh