Nền giáo dục ở những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những nền giáo dục hạnh phúc trên thế giới không đặt áp lực cho học sinh phải trở thành những người giỏi nhất, thành công nhất, mà giúp họ tìm được ý nghĩa, động lực và sự hài lòng trong cuộc sống.
Giáo dục Phần Lan tập trung vào tương tác, trải nghiệm. (Nguồn: visitedufinn)
Giáo dục Phần Lan tập trung vào tương tác, trải nghiệm. (Nguồn: visitedufinn)

Căng thẳng làm vơi đi hạnh phúc

Trong các quốc gia Bắc Âu, Phần Lan đứng đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trong 6 năm liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Tuy nhiên, bí quyết hạnh phúc của người Phần Lan tương đối đơn giản, chứ không hề phức tạp. Đó là hướng tới những mục tiêu giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn giáo dục phần lớn đều miễn phí, tăng thêm thời gian nghỉ ngơi, gần gũi với thiên nhiên, sống thực với cảm xúc của mình, tin tưởng lẫn nhau, luôn học hỏi những điều mới mẻ và tìm sự hài lòng với hiện tại.

Để xây dựng và hình thành những con người hạnh phúc, đất nước trên 5,5 triệu dân này vô cùng coi trọng giáo dục, với hơn 12,2% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Theo đó, tiền học phí, tiền ăn trưa, chi phí cho dụng cụ học tập và các hoạt động ngoại khóa đều miễn phí. Những học sinh sống xa trường hơn 2km sẽ được đưa đón bằng xe buýt. Nghề giáo viên cũng rất được đề cao, với mức lương khởi điểm là khoảng 40.000 - 50.000 USD một năm, chỉ thấp hơn một chút so với lương bác sĩ. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chú trọng như vậy, giáo dục Phần Lan không đặt nặng trách nhiệm cho mỗi cá nhân, bắt buộc người học phải đạt thành tích cao, phải thành công và hạnh phúc. Ngược lại, các trường học đều hướng tới giảm áp lực cho học sinh, cha mẹ, giáo viên, tăng thêm sự bình đẳng trong nhà trường.

Biểu hiện cụ thể như, ở cấp mầm non, các em không bị áp đặt phải học đọc, viết mà được tham gia các hoạt động nhóm để học sự tương tác và trải nghiệm nhiều hơn với thế giới xung quanh. Chẳng hạn, giáo viên mẫu giáo sẽ cho trẻ tập trượt tuyết mô phỏng. Sau đó, họ sẽ giả vờ ngã và cố gắng hết sức để đứng dậy lại. Bài học cho các em thử nếm trải thất bại và học cách dũng cảm đứng dậy từ thất bại.

Trẻ em Phần Lan bắt đầu đi học khi lên 7 tuổi, trải qua 9 năm học bắt buộc. Điều đặc biệt ở đất nước này là không có những mô hình trường chuyên, lớp chọn như ở nhiều quốc gia khác. Một trong những giá trị cốt lõi của trường học là bình đẳng. Giáo viên có thể chăm sóc những năng lực và sở thích khác nhau của mỗi học sinh trong mỗi lớp. Học sinh có thể học hỏi từ nhau chứ không chỉ từ giáo viên. Trách nhiệm của giáo viên là thiết kế bài học để các loại hình và mức độ học tập khác nhau diễn ra.

Khuyến khích tư duy phản biện trong trường học. (Nguồn: Henchinger report)

Khuyến khích tư duy phản biện trong trường học. (Nguồn: Henchinger report)

Với nền giáo dục tập trung vào học sinh, Luật Giáo dục Phần Lan cho phép học sinh làm chủ. Theo đó, học sinh được trao quyền từ sớm để làm chủ các quyết định cho cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm cho điều đó. Cụ thể, khi kết thúc lớp 9 vào năm 16 tuổi, các em được quyết định có học tiếp hay không. Tại dấu mốc quan trọng này, hệ thống giáo dục linh hoạt tại Phần Lan cho phép học sinh chuyển đổi từ học nghề qua học thuật hoặc ngược lại, thậm chí các em cũng có thể tốt nghiệp phổ thông với cả bằng học nghề lẫn học thuật.

Tại trường trung học phổ thông, học sinh có nhiều sự lựa chọn môn học bên cạnh các môn bắt buộc. Đối với những học sinh có nhu cầu học tập chuyên sâu, giáo dục chuyên diễn ra vào lớp 9 hoặc lớp 10. Một số trường thu hút học sinh bằng cách dạy chuyên sâu một số môn học nào đó, như âm nhạc, thể chất, toán, khoa học, nghệ thuật, xã hội hoặc ngoại ngữ. Có những trường dạy Chương trình Tú tài Quốc tế vào năm lớp 11 và 12 rất hấp dẫn đối với học sinh giỏi. Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan cho phép trường trung học phổ thông dạy chuyên sâu một số môn cụ thể bằng cách tăng giờ học bắt buộc. Bên cạnh đó, trường dạy nghề là sự lựa chọn phổ biến đối với những học sinh có mong muốn khởi nghiệp từ tuổi 15 khi đã biết chắc nghề nghiệp mình theo đuổi. Học sinh cũng có thể yêu cầu số giờ học mỗi ngày ngắn hơn, ít bài tập về nhà và bữa trưa nhiều dinh dưỡng hơn...

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan vào học từ 9h đến 9h45 và kết thúc vào khoảng 14h30, với số lượng công việc và bài tập về nhà ít nhất thế giới. Học sinh Phần Lan cũng không đi học thêm nhưng lại vượt trội về hiểu biết, kiến thức văn hóa. Phần Lan không có bài kiểm tra chuẩn hóa. Kỳ thi duy nhất được áp dụng trên toàn quốc là tuyển sinh quốc gia. Đáng nói, học sinh có quyền từ chối tham dự nếu cảm thấy không cần thiết.

Khuyến khích phát triển nhân cách

Cũng như Phần Lan, Đan Mạch cũng thường xuyên nằm trong tốp đầu những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nền giáo dục Đan Mạch cũng không quan trọng hoá kết quả thi cử, áp lực thành công hay thành tích, mà trao cơ hội bình đẳng cho học sinh tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc của riêng mình. Không một trẻ em Đan Mạch nào bị hệ thống giáo dục bỏ rơi. Giáo dục miễn phí và được nhà nước trợ cấp. Tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh nào cũng đều nhận được một khoản trợ cấp để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.

Đan Mạch khuyến khích học sinh tìm niềm vui và ý nghĩa ở lớp học. (Nguồn: Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch)

Đan Mạch khuyến khích học sinh tìm niềm vui và ý nghĩa ở lớp học. (Nguồn: Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch)

Rõ ràng, trở thành người giỏi nhất không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Do đó, thay vì tạo ra những môi trường cạnh tranh như so sánh điểm số, thành tích qua các bài kiểm tra, kết quả thi đua, các trường học ở quốc gia Scandinavia này thường xây dựng chương trình học hướng tới phát triển kỹ năng, tương tác, trí tưởng tượng, sở trường và đặc biệt là nhân cách, cá tính của mỗi học sinh một cách tự nhiên. Do đó, học sinh được khuyến khích tìm hiểu về mọi thứ xung quanh cuộc sống.

Theo Luật Giáo dục Đan Mạch, giáo dục mầm non góp phần giúp các em làm giàu vốn từ vựng, làm quen với nội quy trường học, học cách khoan dung và chuẩn bị đầy đủ cho việc hòa nhập vào cuộc sống tập thể trong tương lai. Hệ thống giáo dục tiểu học không nên chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng cơ bản, mà phải giúp học sinh rèn luyện kỹ năng cần thiết để cá tính của mỗi người được phát triển tự nhiên. Trong các cấp học thì tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng chủ động được xác định là những phẩm chất hữu ích để thích nghi với xã hội chứ không phải việc học thuộc lòng sách giáo khoa.

Giáo dục đại học cũng không cố gắng tạo ra áp lực mà như thưởng thức, khám phá cuộc sống. Sinh viên đại học luôn luôn được nghỉ ngơi vào cuối tuần. Nếu có những học sinh gặp khó khăn đưa ra quyết định học đại học hay không, hệ thống giáo dục sẽ cung cấp cho họ một chương trình đặc biệt. Những thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 18 có thể dành một năm để học những chương trình này trước khi quyết định muốn làm gì tiếp theo. Khi tham gia vào chương trình học đặc biệt, học sinh được dạy kiến thức và kỹ năng không nằm trong chương trình học ở các trường thông thường nên có nhiều cơ hội hơn để khám phá và phát triển tài năng của mình. Một số lĩnh vực mà chương trình đặc biệt cung cấp cho học sinh là thể thao, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ...

Ngoài công việc, học tập, người Đan Mạch tham gia nhiều hoạt động khác để thư giãn, giải trí. (Nguồn: denmark.dk)

Ngoài công việc, học tập, người Đan Mạch tham gia nhiều hoạt động khác để thư giãn, giải trí. (Nguồn: denmark.dk)

Với một nền giáo dục không có bài kiểm tra, bài tập về nhà, không cố đào tạo ra những vĩ nhân nhưng Đan Mạch vẫn nằm trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới, hệ thống giáo dục đại học tốt thứ 3 thế giới. Giáo dục Đan Mạch cũng cố gắng tạo ra một bầu không khí hỗ trợ và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Theo đó, chỉ 11% người Đan Mạch thấy mức lương cao là yếu tố quyết định nghề nghiệp họ muốn theo đuổi. Lựa chọn việc làm khiến mình hạnh phúc là định hướng nghề nghiệp chủ đạo ở quốc gia này. Mỗi người có những phẩm chất, giá trị và năng khiếu riêng, cho nên bất kể điểm số, thành tích như thế nào, học sinh Đan Mạch đều có thể tìm kiếm một công việc phù hợp và trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai. Gia đình, nhà trường không hề tạo áp lực cho người trẻ khi bước ra xã hội, thay vào đó, họ đặt niềm tin vào quyết định của người trẻ.. Trên 50% công dân trẻ Đan Mạch xác nhận rằng, họ hoàn toàn tự do lựa chọn tương lai và quan trọng hơn có thể kiểm soát tương lai của chính mình.

Cũng như người Phần Lan, người Đan Mạch làm việc chăm chỉ nhưng đồng thời giờ làm việc của họ cũng rất hợp lý, để có thời gian để thư giãn, chăm sóc bản thân, thực hiện các hoạt động khác ngoài công việc. Ví như cắm trại, hái quả mọng, hái nấm, bơi lội, đi bộ đường dài, cưỡi ngựa, trượt tuyết, đi học yoga, làm gốm,… Nhìn chung, một xã hội hạnh phúc luôn bao gồm những con người hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của họ không cần là những thứ xa xỉ, lớn lao mà đơn giản là sự trân trọng, hài lòng đối với chính mình và cuộc sống hiện tại.

Đọc thêm