IHS Markit Ltd. (nhà cung cấp thông tin toàn cầu có trụ sở tại London, Anh) công bố kết quả khảo sát cho thấy, một loạt các Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã giảm sâu hơn từ tháng 3, với một số chỉ số giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại và có chỉ số chỉ bằng mức thấp nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Các chỉ số ở châu Âu từ cuối tuần trước và hôm nay cũng cho thấy tình trạng tương tự, dự kiến sẽ cho thấy các điều kiện sản xuất công nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục, củng cố thêm cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về việc "nền kinh tế toàn cầu đang có sự suy giảm lớn nhất kể từ những năm 1930".
PMI của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và một cường quốc sản xuất toàn cầu, đã trượt khỏi mức 41,6 vào tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009. PMI của Nhật Bản phát hành vào tuần trước cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Tạp chí Capital Economics cho biết, mặc dù Hàn Quốc giữ nhịp ổn định nền kinh tế "tốt hơn so với các nước châu Á khác", chủ yếu nhờ các chính sách hiệu quả của Chính phủ để ngăn chặn virus, thì các vấn đề vẫn trở nên tồi tệ hơn.
Dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy, dịch virus corona đã khiến số lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc "lao dốc" vào tháng 4 với tốc độ mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngay cả công ty công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc là Samsung Electronics Co Ltd tuần trước phải thừa nhận, dự kiến lợi nhuận công ty sẽ giảm trong quý II do doanh số sụt giảm. Theo Samsung, trong khi các như cầu mua sắm, học trực tuyến phát triển làm tăng nhu cầu về chip bộ nhớ, thì mảng điện thoại thông minh và TV lại ảm đạm khi người tiêu dùng tạm ngừng chi tiêu cho các sản phẩm này.
"Tin xấu là kết quả tốt nhất của ngành công nghiệp ở nhiều nơi khó có thể vượt qua mức tồi tệ nhất", ông Alex Holmes, chuyên gia về kinh tế châu Á của Tạp chí Capital Economics, đã viết.
Cũng theo bài viết này, chuyên gia nhận định, "Nhu cầu toàn cầu đã giảm và chúng tôi không nghĩ rằng nó đã chạm đáy". Dữ liệu mới nhất của Hoa Kỳ và Tây Âu cho thấy nhu cầu sụt giảm chưa từng thấy trong nền kinh tế, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi dù nhu cầu vẫn rất yếu".
Tuần trước, PMI chính thức của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy vẫn tăng trong tháng 4, mặc dù chậm hơn so với tháng 3.
Tuy nhiên, theo PMI của khu vực tư nhân nước này do Caixin Media Company Ltd. (tập đoàn truyền thông có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) đưa ra thì khu vực này sự sụt giảm, mặc dù với tốc độ nhẹ hơn nhiều so với các nước.
Đáng kể là trong cả hai cuộc điều tra về PMI đều chỉ ra thực tế các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đã bị "choáng váng" do sự sụt giảm mạnh các đơn đặt hàng.
Trong khi Trung Quốc dường như đi trước các nước khác trong khôi phục nền kinh tế bị tê liệt do đại dịch virus corona gây ra, thì các chuyên gia nhận định, bất kỳ sự phục hồi nào cũng phải dần dần và nhu cầu toàn cầu không thể hồi phục ngay lập tức trong thời gian ngắn.
Một dây chuyền sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh Reuters chụp ngày 31/1/2020. |
Sự sụt giảm ở các chỉ số PMI của Hàn Quốc cho thấy sự suy giảm ít nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều có mức thấp kỷ lục.
Tại Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, các đơn đặt hàng và sản lượng mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2005 và các nhà máy đã cắt giảm việc làm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử thực hiện các khảo sát về PMI.
Sự sụt giảm sản xuất là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách, những người lo lắng về tác động gây mất ổn định xã hội của tình trạng thất nghiệp lớn khi các công ty trong cả hai lĩnh vực nhà máy và dịch vụ giảm mạnh.
Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân ở Australia hôm thứ Hai cũng cho thấy, quảng cáo việc làm giảm kỷ lục (53,1%) trong tháng 4, mức giảm gần gấp năm lần so với kỷ lục 11,3% trước đó vào tháng 1/2009.