Nên mở cửa hay chưa?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chưa khi nào TP Hồ Chí Minh (HCM) rơi vào tình thế “đau đầu” như hiện nay, khi đứng trước câu hỏi “nên mở cửa hay chưa” sau hơn 100 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thiệt hại về con người đã quá khủng khiếp. Nhiều người đã ra đi mãi mãi sau khi nhiễm bệnh. Con số công bố chiều tối 17/9 cho thấy trong 24 tiếng đồng hồ trước đó, TP vẫn ghi nhận 5.972 ca nhiễm và 166 ca tử vong.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết: “Số bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp can thiệp điều trị do tình trạng nặng còn khá cao. Vì thế, hiện số ca tử vong giảm nhưng chúng ta không quá lạc quan vì số ca nặng còn nhiều”. Thế nhưng, cả trăm ngày nền kinh tế gần như “đóng băng”, một số gia đình, tổ chức, cá nhân có thể “kiệt quệ” về tài chính.

Tại cuộc gặp với lãnh đạo TP sáng 17/9, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội… các chuyên gia đều cho rằng không thể không mở cửa.

Trên cơ sở 91% người dân TP đã chích vaccine mũi 1, các “vùng xanh” TP ngày càng mở rộng, TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo hệ lụy với việc tăng trưởng GRDP của TP trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế.

Đối với DN là sự kiệt quệ mà nếu không kịp thời cứu thì DN sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỉ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn. Bên cạnh đó, ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra cũng không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý…

TS Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thích nghi một cách an toàn với COVID-19. Trong đó, phải bảo vệ những người có rủi ro nhiều nhất là người trên 65 tuổi, trẻ em… Điều kiện đầu tiên để mở cửa là vaccine. Tiếp đó, tất cả đơn vị được phép mở ra phải có phương án phòng chống dịch thích nghi với điều kiện mới; như siêu thị cần có đường vào, đường ra riêng biệt…

PGS - TS Trần Hoàng Ngân đề xuất TP tập trung hỗ trợ vaccine để tiêm cho người mũi 2 đến hạn; đầu tư nhân lực năng lực cho các trạm y tế; xây dựng chiến lược huy động nguồn lực tài chính cho TP... TS Trần Du Lịch thì lưu ý: “ Cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa chứ không được “đóng mở bất thường”, DN sẽ bị đấm bồi và tiếp tục chết nhiều hơn”.

Trước đó một ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo TP HCM, cũng đã gợi ý: “Nếu củng cố được vùng xanh chắc chắn, TP cần xem xét theo địa bàn để mở lại hoạt động đời sống, kinh tế thay vì giới hạn trong một số ngành nghề, loại hình”.

Như vậy, có thể TP sẽ sớm thực hiện xu hướng nới lỏng một số hoạt động, “sống chung với COVID-19”. Và trong bối cảnh mỗi ngày TP vẫn ghi nhận hàng ngàn ca mắc, cả trăm ca tử vong thì điều quan trọng bậc nhất là lực lượng y tế phải sung sức, cơ sở y tế phải đầy đủ máy móc, thuốc men.

Đó cũng là điều mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý trong thư gửi cử tri TP HCM ngày 16/9.

Chủ tịch nước cho biết, ông đã thấy và rất xúc động trước những tấm lòng quả cảm, tinh thần tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã ngày đêm tận tụy hy sinh, vì an toàn sức khỏe nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và TP HCM tiếp tục xem xét để có chế độ đãi ngộ và ghi nhận xứng đáng hơn nữa với đội ngũ y, bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch.

Muốn sống chung với COVID-19, đó là điều chúng ta cần hết sức lưu ý

Đọc thêm