'Nếp nhà' ở phương tây chuyển động theo thời đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xã hội hiện đại phương Tây đã không còn chỉ xoay quanh những gia đình hạt nhân truyền thống. Kèm theo sự phát triển của xã hội là sự xuất hiện của nhiều quan niệm mới, cũng như những mô hình gia đình hiện đại kiểu mới.
Cư dân Sällbo sinh hoạt cùng nhau trong khu vực chung. Ảnh: Jonas Linné/The Guardian.
Cư dân Sällbo sinh hoạt cùng nhau trong khu vực chung. Ảnh: Jonas Linné/The Guardian.

Sự “trỗi dậy” của gia đình đa thế hệ

Khi những người trẻ ngày càng khó thể sống riêng bởi những chi phí đắt đỏ, còn những người già thì thường đối mặt với sự cô đơn, thiếu chăm sóc, ngày càng nhiều gia đình ở Anh lựa chọn sống chung dưới một mái nhà với nhiều thế hệ.

Đó là câu chuyện của gia đình nhà Nick Bright và Kathryn Whitehead. Cách đây nhiều năm, hai vợ chồng đã quyết định đưa hai cô con gái về sống chung với bà ngoại của chúng – Rita Whitehead tại một ngôi nhà ba tầng theo phong cách Victoria ở Bristol. Bà Rita sẽ sống ở tầng trệt với đầy đủ nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ và phòng khách riêng; còn gia đình 4 người của Nick Bright và Kathryn Whitehead sẽ sống ở tầng 2 và tầng 3, cũng đầy đủ nội thất. Họ dùng chung cửa ra vào và máy giặt.

Kathryn Whitehead cho biết, ban đầu cô đề xuất ý tưởng sống chung với mẹ thì bà Rita nói rằng: “Chúng ta nên lắng nghe ý kiến của Nick về việc sống chung với mẹ vợ có khiến anh ấy cảm thấy thoải mái hay không?”. Khi họ cùng thảo luận với nhau, Nick đã chia sẻ rằng anh cảm thấy đó là một ý tưởng hay và anh hoàn toàn thoải mái với điều đó.

Có thể thấy, tại những đất nước phương Đông, đơn cử như Việt Nam, cuộc sống đa thế hệ đã “ăn sâu” vào các gia đình người Việt. Tuy nhiên, có lẽ điểm khác nhau cơ bản giữa phần lớn những gia đình đa thế hệ tại phương Tây và phương Đông chính là dù sống chung dưới một mái nhà, các gia đình phương Tây vẫn đề cao sự riêng tư của các thành viên trong gia đình, đồng thời có một sự bình đẳng, tôn trọng tương đối rõ nét giữa con cái với bố mẹ, cháu với ông bà. Quyết định sống chung đa thế hệ cần được sự đồng thuận, tự nguyện từ tất cả các bên nhằm tạo không khí hoà thuận trong gia đình. Đây được coi là một giải pháp để giải quyết rất nhiều vấn đề khác nhau, đơn cử như tiết kiệm tài chính, sự cô đơn của những người già,…

Các thống kê cho thấy, nhiều người trưởng thành Anh đang có xu hướng đưa với vợ/chồng và con cái họ quay về sống với cha mẹ già. Theo ước tính của Văn phòng Thống kê Quốc gia, số lượng hộ gia đình có ba thế hệ chung sống đã tăng 28% từ 325.000 vào năm 2001 lên 419.000 vào năm 2013. Xu hướng tương tự cũng đang xảy ra ở Mỹ và Canada. Một số liệu thống kê cho thấy, số hộ gia đình đa thế hệ tại Canada được ước tính tăng lên khoảng 40% trong một thập kỷ từ 2001-2011. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2019, có khoảng 64 triệu người Mỹ, chiếm 20% dân số, sống trong những gia đình đa thế hệ.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một xu hướng tích cực bởi trong xã hội hiện đại, con người phải làm việc nhiều hơn, các gia đình càng dễ bị chia rẽ về mặt địa lý: người trẻ hướng về trung tâm các thành phố để làm việc còn người già sống tại các khu vực ngoại ô. Việc sống chung giữa nhiều thế hệ khiến những người trẻ và người lớn tuổi có thể gắn kết, chia sẻ và quan tâm đến nhau hơn, đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho cả thế giới thấy được sự cô lập và cô đơn có thể đáng sợ đến mức nào.

Nhiều quốc gia Âu – Mỹ tìm về với cấu trúc gia đình mở rộng, nhiều thế hệ. Ảnh: Adrian Sherratt/The Observer.

Nhiều quốc gia Âu – Mỹ tìm về với cấu trúc gia đình mở rộng, nhiều thế hệ. Ảnh: Adrian Sherratt/The Observer.

Gia đình “mở rộng” dựa trên nền tảng tình bạn

Nhìn nhận trước đây, một gia đình hạt nhân thường bao gồm bố mẹ và con cái do chính họ sinh ra, do đó một gia đình truyền thống có thể thấy rõ nhất thông qua hôn nhân giữa nam – nữ và mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khái niệm về gia đình có thể linh hoạt hơn nhiều.

Minna Salami, một nhà báo mang trong mình ba dòng máu Nigeria, Phần Lan và Thụy Điển, cũng người sáng lập ra trang MsAfropolitan, sẵn sàng thách thức quan điểm truyền thống về “trụ cột” của một gia đình “buộc phải dựa trên hôn nhân và tính huyết thống”. Cô cho rằng, chính điều này sẽ khiến các gia đình thường rơi vào “bế tắc” khi họ không tìm thấy hạnh phúc nhưng cũng không thể tách rời bởi những “ràng buộc” nhất định; đặc biệt là những người yếu thế hơn (đơn cử: phụ nữ) buộc phải thoả hiệp để gìn giữ “hạnh phúc gia đình”. Trong khi đó, gia đình nên là “một nơi thoải mái với các thành viên” chứ không phải “một thể chế truyền thống và giáo điều, nơi đề cao những quan niệm áp đặt”. Cô cũng nhấn mạnh ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn lối sống độc thân và sau đó trở thành mẹ đơn thân. Ngoài ra còn có các cặp đôi LGBTQ nhận con nuôi, hay những cặp đôi sống chung với nhau như vợ chồng mà không kết hôn,… Tất cả đều là những gia đình hiện đại và việc tổ chức gia đình họ như thế nào là do họ lựa chọn.

Chia sẻ với CNN, Salami nói: “Đối với khái niệm gia đình, tôi quan tâm nhiều hơn đến nền tảng tình bạn sâu sắc (có thể có hoặc có thể không có tính chất lãng mạn), sự đoàn kết và gắn kết lâu dài với nhau”. Cô chia sẻ, suy nghĩ này thỉnh thoảng xuất hiện sau khi mẹ cô qua đời, đó là “mặc dù tôi và mẹ tôi liên quan với nhau về mặt sinh học nhưng chúng tôi gắn kết với nhau như một gia đình ở rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ bởi huyết thống. Trong đó, điều tôi nhớ nhất về mẹ là mẹ tôi đã luôn là một người bạn đồng hành đáng quý có thể chia sẻ với tôi về mọi thứ trong cuộc sống”.

Quan điểm của Salami có thể được làm rõ hơn trong một thí điểm về “gia đình đa thế hệ kiểu mới” tại Thụy Điển. Trước hết, cần phải hiểu bối cảnh ở Thụy Điển có nhiều điểm rất khác với tại Vương quốc Anh. Dù tỉ lệ hôn nhân tại đất nước này có xu hướng tăng lên trong một thập kỷ qua, nhưng so với phần còn lại của châu Âu, Thụy Điển vẫn được xem là một quốc gia có tỉ lệ hôn nhân rất thấp, cùng với đó tỉ lệ sinh thấp và quy mô gia đình trung bình nhỏ nhất. Người Thụy Điển rất độc lập: những người trẻ tuổi bắt đầu sống một mình sớm hơn bất cứ nơi nào ở châu Âu, đến già họ vẫn vậy. Nhiều người dân đã lựa chọn không sinh con, cùng với đó, nhờ chính sách công và một loạt các dịch vụ hưu trí, nhiều người cao tuổi đã chọn ở lại nhà riêng của họ và tự đối mặt với sự cô độc.

Tòa nhà Sällbo gồm phòng gym & yoga, thư viện, bếp chung tại mỗi tầng và không gian làm việc chung cho các cư dân. Ảnh: Jonas Linné/ The Guardian.

Tòa nhà Sällbo gồm phòng gym & yoga, thư viện, bếp chung tại mỗi tầng và không gian làm việc chung cho các cư dân. Ảnh: Jonas Linné/ The Guardian.

Lo ngại về sự cô đơn của các nhóm lớn tuổi, từ năm 2016, Helsingsborgshem, một công ty nhà ở phi lợi nhuận, đã bắt đầu khởi xướng dự án “Sällbo”, được tài trợ bởi hội đồng thành phố Helsingborg - thành phố cảng nhỏ ở miền nam Thụy Điển. Vào tháng 11/2019, toà nhà đa thế hệ mang tên “Sällbo” chính thức được khai trương. Sällbo là sự kết hợp của các từ tiếng Thụy Điển có nghĩa là bạn đồng hành (sällskap) và sống (bo) – đó cũng chính là mục tiêu của dự án này: chống lại sự cô đơn và thúc đẩy sự gắn kết xã hội bằng cách mang lại cho cư dân các ưu đãi và không gian để tương tác hiệu quả.

Sällbo bao gồm 51 căn hộ trải rộng trên bốn tầng của một ngôi nhà hưu trí đã được tân trang lại. Hơn một nửa trong số 72 cư dân trên 70 tuổi, số còn lại ở độ tuổi 18-25. Tất cả đều được lựa chọn sau một quá trình phỏng vấn sâu để đảm bảo có sự kết hợp giữa tính cách, xuất thân, tôn giáo và giá trị. Tất cả đều phải ký một hợp đồng hứa dành ít nhất hai giờ một tuần để giao lưu với những người hàng xóm của họ. Ban quản lý dự án đã gọi đây là “một cách sống mới đa thế hệ”.

Tại đây, tất cả mọi người ở đây không chỉ biết nhau mà còn có thể sinh hoạt với nhau như một gia đình: họ sống và giao lưu cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, trong khi vẫn tôn trọng sự riêng tư của mỗi người. Ahlsten, một cư dân đã ngoài 70 tuổi, chia sẻ với tờ Guardian rằng: “Bạn luôn có thể đóng cửa để thư giãn hoặc ngủ mà không bị ai quấy rầy”. Một cư dân khác, Ali Soroush – một người tị nạn trẻ tuổi đến từ Afghanistan chia sẻ rằng: “Trong khu chung cư cũ của tôi, thậm chí sau một năm rưỡi, tôi không hề biết bất kỳ người hàng xóm nào nhưng ở đây, từ ngày đầu tiên tôi đã biết tất cả mọi người. Điều tôi cảm kích là mọi người đối xử với tôi bằng sự tôn trọng đối với nguồn gốc và nền văn hóa của tôi. Cảm giác như ở nhà vậy. Tất cả mọi người đều là một gia đình”.